Đường sắt phải đặc biệt cảnh giác lũ quét, đất đá sạt lở do mưa bão

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơn bão số 5 đang gây mưa lớn trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất vùi lấp đường giao thông, trong đó có đường sắt Bắc – Nam đang rất thường trực.

 Cơn bão số 5 gây mưa lớn trên diện rộng ở nhiều tỉnh miền Trung (Ảnh: Đông Hiền).
Hôm nay (18/9), cơ bão số 5 đã chính thức đổ bộ vào các tỉnh miền Trung và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, hoàn lưu cơn bão đang gây ra mưa lớn trên diện rộng ở nhiều tỉnh, TP khu vực này. Để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trước nguy cơ đe dọa từ ảnh hưởng của mưa bão, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa phát đi công điện khẩn ứng phó với cơn bão số 5 trên biển Đông.
Lập tức dừng tàu khi gặp lũ quét, đất sạt lở
Đây là chỉ đạo của Bộ GTVT đối với Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Hai đơn vị này được yêu cầu chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thuỷ lợi, hồ chứa nước.
Đồng thời, cần tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả mưa, lũ và đảm bảo giao thông thông suốt, phải đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình; cần đặc biệt chú ý các công trình ở miền núi hay có lũ đột xuất.
 Đường sắt cảnh giác với lũ quét và sạt lở đất do mưa bão (Ảnh: Lê Thanh).
Đặc biệt, Bộ GTVT quán triệt, Cục Đường sắt Việt Nam và VNR cần có phương án dừng tàu trong khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thuỷ lợi, hồ chứa nước có sự cố tai nạn do bão gây ra; có phương án chuyển tải hành khách trong trường hợp đường sắt bị sự cố, đặc biệt là các tầu khách trên tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, các Sở GTVT các địa phương được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, Cục Quản lý đường bộ và các đơn vị Quản lý và sữa chữa đường bộ, đường sắt… tiến hành khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông khắc phục hậu quả bước 1 trên các quốc lộ ủy thác và đường địa phương, phối hợp điều hành việc vận tải, tăng bo hành khách và hàng hoá… ngay khi lũ rút.
Đường bộ đảm bảo giao thông thông suốt
Đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu chỉ đạo các đơn vị chủ động thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, các công trình thoát nước luôn thông thoát, hệ thống báo hiệu đầy đủ, rõ ràng.
Bộ GTVT nhấn mạnh, công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ và đảm bảo giao thông thông suốt, phải đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình; cần đặc biệt chú ý các hạng mục thi công dưới nước, công trình ở miền núi hay có lũ quét đột xuất.
 Mưa lớn kéo dài tiềm ẩn nguy cơ lũ quét gây sạt lở, ngập đường (Ảnh: Đông Hiền).
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị trực thuộc cần tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực để chủ động khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ. Kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu phao, khu vực đường xung yếu, cầu yếu để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất.
Đối với Cục Quản lý đường bộ II, III và IV, Bộ GTVT giao trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Sở GTVT và lực lượng chức năng của địa phương tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở; kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này, đặc biệt là các phương tiện chở khách, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hành khách, phương tiện trên các tuyến quốc lộ.
Đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông thủy
Đối với lĩnh vực giao thông thủy (trên biển và đường thủy nội địa), Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải hướng dẫn tàu thuyền khi rời cảng biết tình hình và hướng di chuyển của bão để các tàu biết khi hành trình không đi vào vùng nguy hiểm, phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương trong việc hướng dẫn nơi neo đậu, tránh trú an toàn và có biện pháp đảm bảo an toàn về người, phương tiện khi có tình huống xảy ra.
Cục Hàng hải cũng cần chỉ đạo Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam điều động các tàu SAR đến chốt ở các vị trí dự kiến có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất và chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh; thành lập đoàn công tác vào các địa phương nằm trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của bão để kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 5 đối với các Cảng vụ Hàng hải và các nhà máy đóng tầu trên địa bàn địa phương.
 Nhiều chuyến bay phải hủy, hoãn do cơn bão số 5 (Ảnh: Hòa Thắng).
Đối với Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu phối hợp với các Sở GTVT (khu vực từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa) chỉ đạo các Cảng vụ đường thủy nội địa không cấp phép cho tầu rời cảng đến hoặc đi qua khu vực ảnh hưởng của bão; Đôn đốc các đơn vị Quản lý đường thuỷ nội địa rà soát phương tiện phục vụ công tác PCTT và TKCN như tàu, thuyền, ca nô, phao, bè, cọc neo, trụ neo và phao neo, đảm bảo sẵn sàng ứng cứu; Chỉ đạo các đơn vị tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông, chống va trôi cho các cầu trong và sau mưa, lũ ở những vị trí trọng yếu trên tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia.

Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không, Công ty Bay dịch vụ hàng không theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để điều chỉnh kế hoạch hoặc thay đổi lịch bay tại một số địa phương có ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 5 và đảm bảo an toàn tuyệt đối, đối với hoạt động bay.

Chủ động phòng, chống, rà soát thống kê các trang thiết bị, chằng néo, neo đậu tàu bay tại cảng hàng không, đảm bảo công tác bay an toàn trong mọi tình huống và có biện pháp bảo vệ các công trình nhà ga, kho hàng… để hạn chế thiệt hại do bão gây ra.