Duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu nhưng cần đổi mới quản lý, điều hành

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu; tuy nhiên cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng, dầu...

Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự   thảo Luật Giá (sửa đổi).

Công khai, minh bạch trong việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo Luật đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đến nay, dự thảo Luật cơ bản thể hiện ý kiến đa số các đại biểu Quốc hội, bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm rà soát kỹ; nghiên cứu các luật và các dự thảo Luật liên quan, chỉnh lý Điều 3 nhằm bảo đảm bao quát về phạm vi điều chỉnh, tuyệt đối không tạo khoảng trống pháp lý; bảo đảm tính thống nhất với pháp luật liên quan; tuân thủ nguyên tắc áp dụng luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với một số lĩnh vực đặc thù như đất đai, sở hữu trí tuệ, điện, học phí, dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám chữa bệnh, nhà ở, dự thảo Luật đã quy định rõ những vấn đề được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành. Nội dung này được thể hiện tại khoản 4 Điều 3 của dự thảo Luật và Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá..

Đối với thẩm quyền quyết định Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, dự thảo Luật giữ như quy định của Luật hiện hành, Quốc hội quyết định Danh mục. Trường hợp cần điều chỉnh, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định. Đồng thời bổ sung Phụ lục 01 quy định cụ thể những mặt hàng bình ổn giá, bảo đảm công khai, minh bạch. Dự thảo Luật cũng chỉnh lý các quy định có liên quan tại các điều, khoản khác để đảm bảo tính tương thích.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, đối với Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, UBTVQH cho rằng trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Tuy nhiên, đề nghị cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng, dầu; đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn, việc sử dụng Quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả trong điều hành. Đồng thời, đánh giá kỹ việc thực hiện Nghị định 95/2021/NĐ-CP; sớm đưa giá xăng, dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Liên quan quy định về thẩm định giá, dự thảo Luật đã hoàn thiện theo hướng quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, cơ quan tương ứng với công việc mà mình thực hiện. Đồng thời, bổ sung 2 điều bao gồm về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập Hội đồng thẩm định giá và quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thẩm định giá; quy định rõ hơn về phạm vi thẩm định giá của Nhà nước; bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định giá.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của Hội đồng; bổ sung quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với Hội đồng thẩm định giá, thành viên Hội đồng thẩm định giá. Những quy định trên nhằm vừa tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, vừa bảo đảm tính khả thi, giúp các cá nhân, tổ chức yên tâm thực hiện đúng chức trách được giao.

Cân nhắc việc sửa đổi liên quan đến nội dung công khai thông tin về giá

Phát biểu ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn tỉnh Quảng Bình) cho rằng, nội dung công khai thông tin về giá, thẩm định giá là nội dung rất quan trọng, vừa phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Dự thảo Luật đang quy định về 3 loại chủ thể phải thực hiện trách nhiệm công khai thông tin về giá, thẩm định giá, đó là: cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Đại biểu nêu rõ, tuy có 3 loại chủ thể khác nhau nhưng lại có một khoản chung là Khoản 5, Điều 6 quy định về hình thức công khai. Theo đó, công khai bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hoặc các hình thức phù hợp khác.

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Đại biểu cho rằng với quy định nêu trên thì trách nhiệm công khai thông tin về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thể sẽ là một bước lùi so với Luật Giá hiện hành, không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi theo dự thảo Luật, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chỉ cần công khai bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nếu có được coi là công khai. Trong khi đó, Luật hiện hành quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá bằng hình thức niêm yết giá.

Góp ý vào Danh mục bình ổn giá, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, danh mục này vẫn chưa thực sự thuyết phục, tại sao chọn thịt lợn, vật tư phân bón của ngành nông nghiệp… vào danh mục bình ổn giá. Trong khi đó qua đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, gạo, nước mắm, thực phẩm mới là thực phẩm thiết yếu. Vì vậy, không nên quy định cụ thể trong danh mục, nên chăng danh mục này nên mở để Bộ Tài chính quyết định trong trường hợp cần thiết.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng nêu thực trạng sau khi mua bán thuốc, trang thiết bị y tế, các cơ quan điều tra có kết luận tăng giá bán bất hợp lý, đặc biệt trong tình trạng dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn. Vì vậy, dự thảo luật cần quy định biên độ cụ thể về mức tăng giá để không xảy ra tình trạng tùy tiện, áp đặt trong quá trình điều tra, tránh trường hợp oan uổng hoặc không đủ dũng cảm cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Yên (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung tại dự thảo Luật điều chỉnh cụm từ “giá dịch vụ giáo dục” thành “giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo” để thống nhất với quy định của Luật Giáo dục và Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo…

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, quy định cụ thể các trường hợp thực hiện thẩm định giá theo quy định của pháp luật về ngân sách và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.