EU đang “tự bắn vào chân mình” khi trừng phạt Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyên bố trên được Cơ quan đại diện thương mại Nga tại Tổ chức Thương mại thế giới đưa ra khi bình luận về chính sách thương mại của Liên minh châu Âu (EU).

EU đã triển khai 10 vòng trừng phạt Nga kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, bao gồm các hạn chế về tài chính, thương mại cũng như các biện pháp trừng phạt cá nhân. Ảnh: AFP
EU đã triển khai 10 vòng trừng phạt Nga kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, bao gồm các hạn chế về tài chính, thương mại cũng như các biện pháp trừng phạt cá nhân. Ảnh: AFP

Theo hãng tin Tass, một quan chức giấu tên của Phái đoàn Nga tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 6/6 cho biết Moscow phản đối việc Brussels thực thi chính sách thương mại không theo luật lệ quốc tế và bị chi phối bởi yếu tố chính trị.

Vị quan chức Nga nói thêm rằng Moscow hết sức quan ngại về việc EU xem nhẹ những hậu quả từ động thái trên đối với các thành viên WTO khác cũng như đối với chính liên minh này.

Theo phái đoàn thương mại Nga tại WTO, EU đang “tự bắn vào chân mình” khi áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow. Các lệnh cấm vận chống Nga của EU đã làm gián đoạn hoạt động thương mại thế giới, điều này cũng khiến giá hàng hóa tại châu Âu tăng mạnh, lạm phát tăng cao và gia tăng bất ổn chính trị trong khu vực.

Bên cạnh đó, Brussels đã không phản hồi những yêu cầu của Moscow về việc đánh giá chính sách thương mại của khối, điều này đã "vi phạm các quy tắc của WTO”.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 6/6 khẳng định Nga vẫn là một phần của nền kinh tế toàn cầu và sẽ không bị cô lập bất chấp sức ép trừng phạt của phương Tây.

"Nga vẫn tích cực tham gia các cuộc thảo luận liên quan đến các vấn đề chính trị quan trọng trên toàn cầu trong thời gian qua. Chắc chắn chúng tôi sẽ không bị cô lập và tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế thế giới. Chúng tôi sẽ mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư với các quốc gia khác," Bộ trưởng Siluanov nhấn mạnh trong bài trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CGTN hôm 6/6.

Theo ông Siluanov, Nga mong muốn tiếp tục tham gia hợp tác với Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của nhóm BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, nhằm đảm bảo ổn định các hoạt động tín dụng, đầu tư trong nước. Có trụ sở chính đặt tại Thượng Hải (Trung Quốc), NDB được nhóm BRICS thành lập vào năm 2015, nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố người Nga ngày càng đoàn kết khi đối mặt với các hành động của phương Tây.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: AP

"Những gì phương Tây làm càng gắn kết chúng tôi hơn nữa," Ngoại trưởng Lavrov nói khi đang có chuyến thăm tới Tajikistan, nhấn mạnh Nga luôn là mục tiêu đầu tiên trong cuộc gây hấn do phương Tây gây ra.

Ngoại trưởng Lavrov lưu ý rằng các kế hoạch chống Nga của phương Tây sẽ không bao giờ thành hiện thực. "Chúng tôi hiểu rõ lập trường của phương Tây, họ không chỉ lên kế hoạch mà còn công khai các chính sách chống Nga. Tuy nhiên, những kế hoạch này sẽ không thành hiện thực," Sputnik dẫn phát biểu của ông Lavrov khi đến thăm căn cứ quân sự Nga tại Tajikistan.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, phương Tây luôn tìm cách mở các mặt trận chống lại Nga, bao gồm cả ở Trung Á. Ông Lavrov nói thêm, thực tế là châu Âu đã quyết định tiến hành một cuộc chiến chống lại Nga và Moscow cần đạt được mục tiêu trong cuộc chiến này. 

Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cũng khẳng định, việc các nước phương Tây cung cấp máy bay phản lực F-16 cho Ukraine là một bước leo thang xung đột hiện nay, bởi máy bay chiến đấu này sẽ được sửa đổi, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh: "Phương Tây đã tăng cường hỗ trợ các vũ khí hạng nặng cho Ukraine trong thời gian gần đây, từ súng tầm xa hiện đại đến xe tăng, và họ đang chuẩn bị cung cấp máy bay chiến đấu F-16... Phương Tây đang chuẩn bị tiếp tục leo thang xung đột. Chúng ta phải nhớ rằng một trong những sửa đổi của F-16 sẽ giúp máy bay này có thể mang vũ khí hạt nhân".