EU mất bao lâu nữa để "cai nghiện" khí đốt Nga?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TASS đưa tin, Ủy ban châu Âu ngày 28/3 đã xác nhận rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ Nga trong ít nhất 5 năm nữa.

Trả lời câu hỏi được đặt ra trong cuộc họp báo tại Brussels về việc khi nào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ sẽ giúp châu Âu loại bỏ sự phụ thuộc khí đốt của Nga, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) về vấn đề năng lượng Tim McPhie cho biết khối sẽ "phụ thuộc vào nhiên liệu từ Nga cho đến năm 2027".

Cũng thêo ông McPhie, EU đã ước tính có thể giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong năm nay và kế hoạch chi tiết về cách thức đạt được điều này sẽ được trình bày vào cuối tháng 5 tới.

Bình luận của ông McPhie diễn ra sau cuộc đàm phán của EU với Mỹ vào tuần trước, tập trung vào việc mở rộng nguồn cung cấp LNG của Washington cho EU, xem đây như là giải pháp để giảm sự phụ thuộc của lục địa này vào khí đốt của Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp gỡ các quan chức EU tại Brussels để tìm cách áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga, mà châu Âu đã tránh với lý do lo ngại suy thoái.

EU đã xem xét ngừng mua khí đốt tự nhiên từ Nga như một phần của một loạt các biện pháp trừng phạt được áp đặt nhằm đáp trả hoạt động quân sự của Moscow ở Ukraine. Nga hiện đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của EU, cung cấp khoảng 175 tỷ m3 mỗi năm cho khối này.

Với việc khách hàng Nga nằm trong danh sách cấm vận, EU cũng đã cấm xuất khẩu tàu và các thiết bị hàng hải tới Nga. Việc đóng mới các đội tàu phá băng thế hệ tiếp theo của Nga đang phụ thuộc vào các công ty nước ngoài, từ các hãng đóng tàu của Hàn Quốc cho tới các công ty cơ khí hàng hải của Mỹ hay Phần Lan. Pháp cũng là nước sở hữu công nghệ độc quyền chuyên về vận tải khí hóa lỏng.

Điều này cản trở nỗ lực của Nga nhằm tăng lượng khí đốt khai thác, xuất khẩu từ một trong những địa điểm giàu trữ lượng khí đốt nhất trên hành tinh. Kế hoạch của Nga về thúc đẩy vận tải hàng hóa qua tuyến đường biển phương Bắc (NSR) kết nối Đông Á với châu Âu qua eo biển Bering nằm giữa Nga và Alaska cũng bị ảnh hưởng.

Theo Panayiotis Mitrou, Giám đốc điều hành mảng khí đốt toàn cầu tại hãng Lloyd’s Register, Nga hiện gặp khó khăn trong các dự án đóng tàu và dường như mọi góc độ đều dẫn tới nguy cơ đổ bể.

Một quan chức cấp cao trong Chính phủ Hàn Quốc thừa nhận, rất khó để thực hiện các đơn hàng mới từ Nga khi xung đột tại Ukraine còn tiếp diễn. Nhưng Seoul lo ngại viễn cảnh các đối thủ Trung Quốc sẽ nhảy vào thế chỗ nếu đơn hàng hiện tại bị hủy, mặc dù Trung Quốc chưa bao giờ đóng mới các tàu chở LNG cỡ lớn, có thể vượt qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở vùng băng giá như Bắc Cực.

Theo giới phân tích, số phận các đơn đặt hàng sẽ phụ thuộc vào Gaztransport & Technigaz - nhà sản xuất duy nhất trên thế giới có khả năng cung ứng các bồn chứa LNG thuộc diện công nghệ cao, có khả năng tích trữ an toàn, với số lượng lớn LNG ở nền nhiệt độ âm 163 độ C. Công ty có trụ sở tại Paris này đang đánh giá xem liệu có chấp hành các điều khoản cấm vận nhằm vào Nga hay không.