Fed có thêm lý do để kéo dài chính sách tiền tệ thắt chặt

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dữ liệu mới nhất về lạm phát và thất nghiệp đã khiến các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thêm cơ sở để không vội cắt giảm lãi suất.

Hiện thị trường tương lai đang định giá 99% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tuần tới, theo công cụ FedWatch của CME Group. Ảnh: AP
Hiện thị trường tương lai đang định giá 99% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tuần tới, theo công cụ FedWatch của CME Group. Ảnh: AP

Theo các số liệu được công bố trong tuần này, chỉ số giá sản xuất của Mỹ trong tháng 2 tăng cao hơn dự báo, trong khi số người nộp đơn nhận trợ cấp thất nghiệp ít hơn dự kiến. Dữ liệu công bố hồi đầu tuần cho thấy giá tiêu dùng cơ bản cũng tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng trước.

Trong khi chi tiêu tiêu dùng khởi đầu năm mới yếu hơn, thì lạm phát bất ngờ tăng nhiệt và dữ liệu lao động ủng hộ quan điểm của các nhà hoạch định chính sách rằng họ cần phải đạt được nhiều tiến bộ hơn trước khi quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ.

Các quan chức Fed được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong hai thập kỷ khi kết thúc cuộc họp chính sách vào tuần tới.

Lạm phát ở Mỹ đã giảm nhiều trong hơn 1 năm qua, chủ yếu nhờ giá năng lượng và thực phẩm đi xuống. Tuy nhiên, các báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) công bố trong tuần này cho thấy tiến trình giảm lạm phát đang chững lại, thậm chí có thể đảo ngược.

Cụ thể, chỉ số CPI lõi trong tháng 2 đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 5 và chỉ số PPI lõi ghi nhận mức tăng trong 2 tháng liên tiếp mạnh nhất trong 1 năm trở lại đây.

Trong khi đó, báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 14/3 cho thấy chỉ số PPI - thước đo giá cả hàng hóa bán buôn từ các công ty sản xuất - cao vượt dự báo trong tháng 2.

Giá năng lượng tăng là một nguyên nhân chính khiến cả CPI và PPI đều tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 2, sau khi đã tăng nhiều hơn so với kỳ vọng trong tháng 1. Giá ô tô đã qua sử dụng, quần áo, bảo hiểm xe cơ giới và vé máy bay cũng tăng. Đáng chú ý, mức tăng hàng tháng 3,6% của giá vé máy là cao nhất kể từ tháng 5/2022. Chi phí nhà ở tăng 0,4%, chậm lại so với mức tăng mạnh trong tháng 1.

Các thành phần của CPI và PPI được sử dụng để tính chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng hơn - cho thấy PCE tháng 2 sẽ lại tăng mạnh sau khi đã tăng mạnh trong tháng 1. Báo cáo PCE sẽ được Bộ Thương mại Mỹ công bố trong tháng 3 này.

Các dữ liệu mới nhất bổ sung bằng chứng cho thấy lạm phát vẫn dai dẳng, có thể khiến Fed thận trọng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm.

Các nhà kinh tế tại Nomura cũng đã thay đổi dự báo về các đợt hạ lãi suất của Fed trong năm nay, với lần cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 7 và lần thứ hai vào tháng 12. Trước đó, Nomura dự báo Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ từ tháng 6 và sẽ thực hiện 3 lần giảm lãi suất trong năm 2024.

Chuyên gia kinh tế trưởng Stephen Stanley tại Santander US Capital Markets dự đoán Fed sẽ duy trì mức lãi suất cao trong thời gian lâu hơn so với dự báo của giới chuyên gia, có thể kéo dài đến tháng 11.

“6 tuần trước, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đang tìm kiếm niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang quay trở lại mức mục tiêu 2% và kể từ đó, chúng tôi không nhận được gì ngoài những số liệu không tích cực về lạm phát" - ông Stanley cho biết.

Bên cạnh đó, Fed cũng có thêm lý do để trì hoãn việc bắt đầu hạ lãi suất do thị trường lao động tại Mỹ vẫn tăng trưởng bền vững.

Báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 14/3 cho thấy số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần  ở nước này bất ngờ giảm - một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động vẫn thắt chặt, đặt ra sức ép tăng lương, tăng lạm phát. Trong tuần kết thúc vào ngày 9/3, Mỹ có 209.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, giảm 1.000 người so với tuần trước đó và thấp hơn 9.000 người so với con số dự báo 218.000 người của các chuyên gia kinh tế.