G7 sẽ hỗ trợ Ukraine vô thời hạn

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bloomberg, nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển (G7) cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine dưới mọi hình thức có thể trong cuộc xung đột quân sự với Nga.

Ngày 26/6, hội nghị thượng đỉnh G7  đã khai mạc tại lâu đài Elmau thuộc bang Bayern, miền Nam nước Đức. Ảnh:  EPA
Ngày 26/6, hội nghị thượng đỉnh G7  đã khai mạc tại lâu đài Elmau thuộc bang Bayern, miền Nam nước Đức. Ảnh:  EPA

Theo dự thảo thông cáo hội nghị thượng đỉnh G7, nhóm này sẽ cam kết cung cấp hỗ trợ cho Ukraine dưới mọi hình thức “miễn là có thể". “Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự, ngoại giao và sát cánh với Ukraine trong thời gian cần thiết”, dự thảo tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7 nêu.

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã khai mạc tại lâu đài Elmau thuộc bang Bayern, miền Nam nước Đức.

Nga nhiều lần cảnh báo Mỹ, EU và các đồng minh phương Tây không bơm vũ khí cho Ukraine, đồng thời cho rằng điều đó sẽ chỉ kéo dài xung đột. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phương Tây đã phớt lờ các cảnh báo của Moskva.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26/6 cho biết nhóm G7 dự kiến sẽ công bố lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga trong tuần này, động thái nằm trong nỗ lực tiếp tục gây sức ép đối với Moscow do cuộc xung đột quân sự ở Ukraine. Việc này cũng đồng thời ngăn chặn nỗ lực của Nga nhằm “lách” các lệnh trừng phạt hiện tại của phương Tây nhằm vào nước này.

Theo Tổng thống Biden, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa có tiền lệ đối với Nga nhằm ngăn chặn Chính phủ nước này có nguồn thu cần thiết để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine. “Cùng với nhau, G7 sẽ công bố lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga – một mặt hàng xuất khẩu lớn mang lại hàng chục tỷ USD cho nước này” – ông Biden viết trên trang Twitter hôm 26/6.

Trước đó cùng ngày, Reuters dẫn lời một quan chức chính quyền Mỹ giấu tên nói rằng G7 sẽ công bố lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga vào ngày 28/6.

Động thái này của G7 nối tiếp hàng loạt biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt đối với Nga kể từ khi nước này phát động cuộc chiến ở Ukraine hôm 24/2.

Các biện pháp trừng phạt đến nay được đưa ra nhằm gây áp lực với nền kinh tế Nga, bao gồm lệnh cấm hoặc hạn chế nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt cũng như giao dịch với các ngân hàng và cá nhân của Nga.

Theo Reuters, G7 cũng đang tổ chức các cuộc đàm phán về mức giới hạn tiềm năng đối với giá dầu nhập khẩu của Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz thừa nhận phương Tây hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức như tốc độ tăng trưởng giảm, lạm phát gia tăng, thiếu nguyên liệu thô và gián đoạn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, ông Scholz bày tỏ tin tưởng rằng G7 “sẽ thành công trong việc gửi đi tín hiệu rõ ràng về sự thống nhất và hành động quyết đoán từ hội nghị thượng đỉnh này”.