G7 tìm cách ứng phó với thách thức mới

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm Các quốc gia giàu nhất trên thế giới (G7) diễn ra trong hai ngày 4 - 5/5 tại London, Anh đặt trọng tâm thảo luận về Trung Quốc, Nga cũng như tiến trình chống lại đại dịch Covid-19 và đối phó với biến đổi khí hậu.

Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của Ngoại trưởng G7 trong vòng 2 năm qua và cũng là để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G7, dự kiến diễn ra ở Tây Nam nước Anh vào tháng 6/2021. Trước thềm cuộc họp ngoại trưởng trực tiếp đầu tiên của G7 kể từ năm 2019, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tìm cách thúc đẩy thông điệp về chủ nghĩa đa phương sau 4 năm ngoại giao Twitter dưới thời ông Donald Trump khiến nhiều đồng minh phương Tây hoang mang, lo lắng.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đón người đồng cấp Mỹ Antony Blinken trước thềm

Hội nghị G7 ngày 4/5. Ảnh: Reuters

Điều này được khẳng định lần nữa trong cuộc họp báo giữa hai đầu tàu của G7 là Anh và Mỹ với hai vai vừa đấm vừa xoa. Ông Blinken cứng rắn khẳng định, mục tiêu của khối là “cố gắng kiềm chế hoặc kìm hãm” Trung Quốc; rằng phương Tây sẽ bảo vệ "trật tự dựa trên quy tắc quốc tế" trước các nỗ lực lật đổ của bất kỳ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc. Mặt khác, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ở tông giọng nhẹ nhàng hơn khi chia sẻ về dự định xây dựng các liên minh. Ông Raab bày tỏ quan điểm nhu cầu ngày càng tăng về “nhóm quốc gia có cùng chí hướng, chia sẻ các giá trị tương đồng và bảo vệ hệ thống đa phương".

Ngoài các nước thành viên G7, Anh cũng đã mời các bộ trưởng từ Australia, Ấn Độ, Nam Phi và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Reuters ngày 5/5 dẫn thông báo của Chính phủ Anh cho biết, 2 đại biểu đoàn Ấn Độ tới tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 ở London, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Hiện tại, toàn bộ đoàn Ấn Độ đã tự cách ly tại London. Họ sẽ tham gia các sự kiện tới đây trong khuôn khổ sự kiện bằng hình thức trực tuyến dù Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, người dẫn đầu đoàn, vẫn âm tính với Covid-19.

Ngay cả khi chưa mở rộng liên minh, G7 vẫn có một “cú đấm”, đó là tổng lực về kinh tế và quân sự lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Tuy nhiên, về lâu dài, có những lo ngại sâu sắc ở cả Washington và các nước châu Âu về ứng phó với Bắc Kinh và Moscow. Các quan chức Anh và Mỹ đã bày tỏ quan ngại trong những tháng gần đây về mối quan hệ hợp tác chiến lược ngày càng tăng giữa Nga, quốc gia lớn nhất thế giới theo lãnh thổ và Trung Quốc, nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới. Ông Blinken cho biết, Mỹ muốn quan hệ ổn định hơn với Nga nhưng còn phụ thuộc vào cách Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định hành động. Trước đó, Ngoại trưởng Raab trong một phiên họp cho biết, G7 sẽ xem xét đề xuất xây dựng một cơ chế phản ứng nhanh để chống lại thông việc tuyên truyền sai lệch của Nga, đồng thời đề cập đến Trung Quốc, nhấn mạnh sự cần thiết phải ủng hộ các thị trường mở và tự do. Hội nghị cũng là nơi các Ngoại trưởng sẽ đặt nền móng cho chuyến công du nước ngoài theo lịch trình đầu tiên của ông Biden kể từ khi nhậm chức: Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh vào tháng tới.