Gần 160.000 tỷ đồng đầu tư phát triển đường thủy nội địa đến năm 2030

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch của Bộ GTVT, giai đoạn 2021-2030, sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư phát triển đường thủy nội địa khoảng 157.533 tỷ đồng.

Bộ GTVT đang xây dựng danh mục, thứ tự ưu tiên các dự án, trong đó có đường thủy nội địa để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư. Ảnh minh họa.
Bộ GTVT đang xây dựng danh mục, thứ tự ưu tiên các dự án, trong đó có đường thủy nội địa để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư. Ảnh minh họa.

Phát triển chưa tướng xứng với tiềm năng

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh về việc phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đường thủy nội địa và hàng hải.

Theo đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, thời gian trước đây, đường thủy nội địa, đường biển phát triển rời rạc, chưa có kết nối đồng bộ. Với lợi thế về vận tải đường thủy nội địa, để chia sẻ với vận tải đường bộ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ đề nghị Bộ GTVT có giải pháp, phương án đề xuất cụ thể, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đường thủy nội địa và hàng hải.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, vận tải thủy nội địa đã có những bước phát triển rất đáng ghi nhận, tạo được một số đột phá như đã đưa vào hoạt động các tuyến vận tải ven biển làm giảm áp lực đáng kể cho vận tải đường bộ trên hành lang vận tải Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực vận tải của hành lang vận tải thủy phía Bắc và phía Nam, nhờ đó khối lượng vận chuyển container đến các cảng biển ở khu vực phía Nam, một số cảng biển phía Bắc và kết nối với Campuchia tăng trưởng mạnh.

Số liệu báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, hiện thị phần luân chuyển vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa đạt 17,83%, hành khách đạt 5,03% toàn ngành.

Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với lợi thế vận tải thủy nên thị phần luân chuyển hàng hóa các vùng này của đường thủy chiếm tỷ lệ khá cao, lần lượt là 45%, 47,5% và 79,7%; riêng khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải trên 80% lượng hàng hóa thông qua cảng được gom và rút hàng bằng đường thủy nội địa.

Mặc dù đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT nhận định so với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, lĩnh vực đường thủy nội địa vẫn còn khiêm tốn.

Nguyên nhân được Bộ GTVT chỉ ra chủ yếu do đường thủy nội địa vẫn chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với vai trò trong hệ thống giao thông vận tải cả nước; nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư, chưa đồng bộ giữa tuyến luồng và cải tạo tĩnh không các cầu nên các điểm nghẽn trên các hành lang vận tải chính chưa được giải quyết triệt để; quy hoạch giữa các lĩnh vực còn chưa thực sự gắn kết.

Đa dạng hóa thu hút nguồn lực đầu tư

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Bộ GTVT đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đường thủy nội địa và hàng hải, đem đến giải pháp đột phá từ giao thông đường thủy nội địa.

Trước tiên cần ưu tiên đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương quản lý các tuyến đường thủy nội địa trung ương, các cảng đường thủy nội địa quốc gia theo yêu cầu tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về việc đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong quản lý nhà nước; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn; cụ thể hóa trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong tổ chức, thực hiện.

Đồng thời, Bộ GTVT sẽ triển khai đồng thời 5 quy hoạch ngành giao thông vận tải theo hướng tích hợp, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối giữa các chuyên ngành và khắc phục hạn chế của các quy hoạch trước đây, trong đó cảng biển được ưu tiên là vị trí trung tâm, kết nối là đường thủy nội địa, đường bộ và đường sắt; đã bố trí các cảng cạn để hỗ trợ để gom, rút hàng container trong nội địa, trở thành “cánh tay nối dài” của cảng biển. Đến nay 5 quy hoạch ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không).

Theo đó, thị phần vận tải lĩnh vực đường thủy nội địa đã quy hoạch tăng từ 17,83% lên 24,1%, đồng thời chú trọng kết nối bằng đường thủy nội địa đến các cảng biển, quy hoạch các bến cảng phục vụ cho phương tiện thủy trong vùng nước cảng biển để nâng cao khối lượng hàng hóa được gom, rút bằng đường thủy nội địa đến cảng biển.

Bộ GTVT đã lập Kế hoạch thực hiện quy hoạch 4 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải) gồm các giải pháp thực hiện quy hoạch và danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2030, đang tổ chức lập các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành.

Ngoài ra, Bộ GTVT đa dạng hóa thu hút nguồn lực đầu tư, đầu tư có trọng tâm trọng điểm trong đó, nguồn vốn ngân sách tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng công cộng, nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư bến cảng với phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2030, sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư phát triển đường thủy nội địa khoảng 157.533 tỷ đồng, dự kiến huy động ngoài ngân sách khoảng 128.614 tỷ đồng (chiếm 82%); sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển khoảng 313.000 tỷ đồng, dự kiến huy động ngoài ngân sách khoảng 297.350 tỷ đồng (chiếm 95%).

Bộ GTVT đang phối hợp với các địa phương xây dựng danh mục, thứ tự ưu tiên các dự án để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, các tổ chức tín dụng tham gia đầu tư.

 

Ngân sách đầu tư cho lĩnh vực đường thủy nội địa chưa đến 2%

Theo chia sẻ của lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này chỉ chiếm chưa đến 2% trong tổng số vốn đầu tư toàn ngành giao thông vận tải, trong khi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực đường thủy nội địa còn hết sức manh mún, quy mô rất hạn chế.

Vì vậy, điểm nghẽn trên các hành lang vận tải chính chưa được giải quyết triệt để; quy hoạch giữa các lĩnh vực còn chưa thực sự gắn kết; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương triển khai chiến lược, quy hoạch, dự án chưa thực sự chặt chẽ...