Gần 500.000 người Việt Nam muốn được chuyển đổi giới tính

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/11, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính (CĐGT) tại Việt Nam. Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho biết, hiện có gần 500.000 người Việt Nam mong muốn được CĐGT, trên thế giới đã có 71 quốc gia hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ.

Chi phí phẫu thuật cao
Theo ông Nguyễn Huy Quang, hầu hết những người có mong muốn chuyển đổi giới tính vẫn phải ra nước ngoài phẫu thuật. Việc thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính có thể gây ra những nguy hiểm lớn về sức khỏe, tâm lý và khó khăn khi đối diện với sự thay đổi, kỳ thị từ phía gia đình và xã hội; đặc biệt là những khó khăn trong các thủ tục pháp lý, giấy tờ…
Theo một nghiên cứu của Mạng lưới người chuyển giới châu Á Thái Bình Dương, hiện tổng chi phí cho việc phẫu thuật chuyển giới tính đến nay của người trả lời trong nghiên cứu này dao động từ 23 triệu đến hơn 1,5 tỷ đồng. Với nhóm FTM (từ nữ sang nam), chi phí trung bình cho phẫu thuật chuyển giới là hơn 147 triệu đồng, với nhóm MTF (nam sang nữ), chi phí trung bình này là hơn 128 triệu đồng.
Người đủ 18 tuổi trở lên và đang độc thân mới được phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Chi phí phẫu thuật lớn là nguyên nhân khiến không nhiều người thực hiện biện pháp can thiệp này do không có khả năng chi trả. Ngoài ra, chi phí phẫu thuật cao cũng khiến nhiều người tìm kiếm các dịch vụ “chui” giá thấp từ các cơ sở tư nhân hoặc các dịch vụ ngoài luồng của bệnh viện công lập, ẩn chứa nhiều rủi ro. Cũng tại kết quả nghiên cứu của Mạng lưới người chuyển giới châu Á Thái Bình Dương cho thấy, trong số những người hiện đang sử dụng hormone có đến gần 60% người cho biết họ chưa từng được khám và tư vấn trước khi bắt đầu sử dụng hooc môn. Với những người đã từng được nhận dịch vụ này, gần 30% nhận được tư vấn bởi chính những cá nhân người kinh doanh cung cấp hooc môn và dịch vụ hỗ trợ. Do đó, rủi ro có thể xảy ra những phản ứng không mong muốn của cơ thể với hormone có thể xảy ra do sử dụng hooc môn kém chất lượng, cường độ và liều lương sử dụng không thích hợp và đặc biệt là biến chứng, tai nạn khi tiêm thuốc.
Không phẫu thuật cũng có thể được công nhận
Theo đề cương Dự thảo Luật, người muốn được CĐGT phải đáp ứng đủ 4 điều kiện như: Đủ 18 tuổi trở lên; là người độc thân; có giới tính sinh học hoàn thiện nhưng mong muốn giới tính khác giới tính sở hữu hiện tại, yêu cầu được can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; được kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, có xác nhận của chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần về mong muốn có giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Dự thảo Luật cũng đưa ra 2 phương án để công nhận người CĐGT.
Phướng án 1: Cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hormone trong thời gian liên tục khoảng hai năm trở lên; thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính. Hoặc cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng một năm) hoặc đã trải qua phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hay bộ phận sinh dục), toàn bộ (phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục), thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Phương án 2: không có can thiệp về y tế (sử dụng hormone hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) mà chỉ cần có bản xác nhận là đã kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) và được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Quang, trong Dự thảo Luật CĐGT, hiện cũng đang nghiêng về phương án hoặc chỉ cần sử dụng hooc-môn liên tục trong hai năm hoặc người thực hiện can thiệp ngoại khoa sẽ được công nhận là người CĐGT. “Phẫu thuật CĐGT rất tốn kém, có nhiều rủi ro. Hiện nay, có nhiều người muốn CĐGT nhưng không có tiền hoặc mắc bệnh tâm lý không muốn phẫu thuật. Có người chỉ có tiền phẫu thuật ngực mà không có tiền phẫu thuật bộ phận sinh dục. Vì tính chất nhân văn và theo thông lệ đa số quốc gia trên thế giới, Việt Nam không bắt buộc điều kiện phải phẫu thuật CĐGT mới được công nhận đã CĐGT” – ông Nguyễn Huy Quang kết luận hội thảo.