Gần dân và trọng dân

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gắn bó với dân để hiểu dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, sẽ góp phần thúc đẩy sự chung sức, đồng lòng.

Việc học tập và làm theo những lời dặn của Bác về “gần dân, trọng dân” đang được các cấp, các ngành trong cả nước cũng như TP Hà Nội đẩy mạnh thực hiện, từ đó tăng thêm sự kết nối giữa chính quyền và người dân.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn (bên trái) trực tiếp kiểm tra, thăm hỏi người dân nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án đường Vành đai 4. Ảnh: Công Thọ
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn (bên trái) trực tiếp kiểm tra, thăm hỏi người dân nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án đường Vành đai 4. Ảnh: Công Thọ

Phát huy vai trò, sức sáng tạo của người dân

Như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, để học và làm theo tư tưởng của Bác, trước hết, cần thực hiện đúng và tốt các quy định của “tin dân, hiểu dân, gần dân”, đồng thời cần nhất quán phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được thụ hưởng”. Cán bộ phải tìm hiểu xem người dân đang mong muốn điều gì; cuộc sống của người dân ra sao. Muốn hiểu dân thì phải gần dân, không quan liêu, ngồi bàn giấy dự thảo các chỉ thị, nghị quyết. Cần phải xuống cơ sở, hòa mình với người dân, lắng nghe ý kiến của dân, chống xa dân.

Từ quan điểm ấy, trong thời gian qua, học tập và làm theo gương Bác, hệ thống chính trị các cấp ngày càng gần dân hơn. Tại cuộc đánh giá về công tác dân vận chính quyền vừa qua, một trong những kết quả được chỉ rõ, chúng ta đã cụ thể hóa phương châm "Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra” trên nhiều lĩnh vực. Qua đó, để phát huy vai trò, sức sáng tạo của Nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương.

Như tại Hà Nội, mỗi năm, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phối hợp tổ chức hàng chục nghìn cuộc giám sát và phản biện xã hội. Thông qua hoạt động này đã tập hợp, huy động sự tham gia của toàn dân trong việc góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; phát huy dân chủ ở cơ sở; củng cố, tăng cường niềm tin trong dân.

Bên cạnh đó, công tác tiếp xúc, đối thoại với người dân được các cấp ủy, chính quyền thực hiện thông qua chế độ tiếp xúc đối thoại thường xuyên, như tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, làm việc, giao ban giữa Thường trực cấp ủy, lãnh đạo HĐND, UBND các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp, hoặc tiếp xúc đối thoại đột xuất khi có yêu cầu phát sinh về nhiệm vụ chính trị - xã hội.

Tại nhiều địa bàn như huyện Mê Linh, Quốc Oai, quận Ba Đình… còn có cách làm hay, sáng tạo khi sử dụng phiếu xin ý kiến rộng rãi đến các đại biểu đại diện Nhân dân trước khi tiếp xúc, đối thoại; mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đối thoại; lãnh đạo huyện về tận xã; các Ủy viên Thường vụ, phụ trách địa bàn trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo và theo dõi việc thực hiện kết luận hội nghị đối thoại liên quan đến địa bàn phụ trách...

Nhiều cấp ủy có sáng kiến giao cho cán bộ hằng tháng về dự họp Chi bộ địa bàn dân cư, tham gia giao ban dư luận xã hội để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở.

Bám dân, sát dân

Trước những nhiệm vụ mới như công tác GPMB để thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, tinh thần "gần dân, trọng dân" cũng đang phát huy hiệu quả. Lãnh đạo các cấp liên tục có các cuộc kiểm tra thực địa, nắm bắt tình hình, chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cơ sở. Đồng thời, gặp gỡ người dân để trao đổi, tuyên truyền, vận động người dân chia sẻ, ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước; lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các hộ dân..., qua đó đã góp phần tạo thêm sự đồng thuận.

Theo kế hoạch, TP Hà Nội phấn đấu đến tháng 6/2023 sẽ bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng và tháng 12/2023 cơ bản bàn giao mặt bằng phục vụ dự án này. Ðây là khối lượng công việc lớn, đòi hỏi quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, trong đó MTTQ các cấp TP Hà Nội giữ vai trò quan trọng.

Mới đây, đại diện MTTQ 7 quận, huyện có dự án đi qua đã ký kết giao ước thi đua thể hiện quyết tâm bảo đảm yêu cầu, tiến độ đề ra. Trong đó, hệ thống MTTQ các cấp đã chủ động tăng cường, linh hoạt phương thức tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong Nhân dân sớm bàn giao mặt bằng cho dự án. MTTQ các quận, huyện và các tổ chức thành viên thường xuyên liên hệ, trao đổi với lãnh đạo Ðảng ủy, UBND các địa phương có dự án đường Vành đai 4 đi qua để kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm trạng, dư luận giúp tham mưu, đề xuất phương án giải quyết, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, báo cáo kịp thời Thường trực quận, huyện, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án.

Như Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã nói, để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, bám dân, sát dân, làm rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án; công khai, minh bạch thông tin, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hành động và nhận thức của Nhân dân, bảo đảm hoàn thành tiến độ giải phóng mặt bằng đã đề ra.

Từ thực tiễn hiện nay cho thấy, chính việc học và làm theo Bác về tinh thần “gần dân, sát dân”, bắt đầu từ những việc vì lợi ích của Nhân dân rất cụ thể và thiết thực hằng ngày, từ đó tạo nên một sức mạnh đoàn kết lớn lao trong thực hiện những nhiệm vụ mới và khó.