Gấp rút tìm nguồn cung nguyên liệu cho doanh nghiệp

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 lan rộng nên rất có thể DN Việt sẽ hết nguyên liệu sản xuất từ giữa tháng 3/2020, vì vậy phải tìm giải pháp giúp DN đủ nguyên liệu sản xuất.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại cuộc họp đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến ngành công nghiệp, do Bộ Công Thương tổ chức chiều 26/2.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó
Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và gần đây là Nhật Bản, Hàn Quốc khiến nguồn cung ứng nguyên liệu cho ngành công nghiệp Việt Nam thiếu hụt. Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài nêu rõ: Năm 2019, ngành điện - điện tử đã nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD, trong đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc khoảng 32 tỷ USD. Hiện tại, DN điện - điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện phục vụ cho sản xuất trong giữa hoặc cuối tháng 3.
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại cuộc họp chiều 26/2. Ảnh: Lê Nam
Theo đại diện Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, hiện LG, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đang phải đối mặt với việc không có nguyên liệu sản xuất bởi Trung Quốc đang tạm thời đóng cửa biên giới nhằm phòng ngừa dịch bệnh, trong khi nhiều loại linh kiện điện tử phục vụ sản xuất được nhập khẩu từ Trung Quốc, việc tạm đóng cửa khẩu khiến nguồn nguyên liệu sản xuất thiếu hụt. Với ngành dệt may và da giày, túi xách, năm 2019 Việt Nam nhập khẩu 2,47 tỷ USD bông các loại; 2,3 tỷ USD xơ sợi và 12,7 tỷ USD vải; 5,6 tỷ USD nguyên phụ liệu.
Việc phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu khiến những ngành này chỉ đủ nguyên liệu sản xuất đến khoảng giữa tháng 3 và đầu tháng 4 nên khả năng nhiều DN ngành dệt may, da giầy phải tạm dừng sản xuất. Trong khi đó, với ngành sản xuất lắp ráp ô tô, năm 2019 đã nhập gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện, riêng nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc là khoảng 2,6 tỷ USD nên dự kiến đến cuối quý I/2020, các DN này sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh kiện phục vụ sản xuất.
Chủ động tìm nguồn cung thay thế
Để có đầu vào cho nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, tại cuộc họp, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cần có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ DN chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế. Đồng thời, khuyến khích DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho ngành dệt may, da - giày vốn phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu.
Ngoài ra, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan làm việc với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc cũng như cấp T.Ư Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh, qua đó bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các DN công nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, về dài hạn, Bộ Công Thương cho rằng phải có giải pháp lâu dài để phát triển công nghiệp trong nước, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu.
Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các DN thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai. Tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội, thu hút chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Công nghiệp phải xem xét chuỗi cung ứng nguyên liệu cho DN Việt Nam, từ đó xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp thực tế. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng kịch bản không nên trầm trọng hóa tình hình nhưng cần bám sát, dự báo sát diễn biến dịch bệnh, đánh giá chi tiết hơn các tác động khác, từ trực tiếp đến gián tiếp trong tương lai, về sự hồi phục thị trường, khả năng cung ứng của trong nước… “Cần phân tích, đánh giá những tác động có thể tiếp diễn ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng và sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước, kể cả thương mại nội địa và xuất nhập khẩu. Đặc biệt lưu ý việc duy trì chuỗi cung ứng, cần tìm các giải pháp để có nguồn cung thay thế. Hiện nhiều DN phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan nên cần tính phương án chi tiết” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý.

"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách gia hạn thời gian trả nợ các khoản vay ngắn hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh của các DN. Bộ Tài chính xem xét các chính sách miễn, giảm thuế, hoàn thuế VAT sớm, cho phép chậm nộp thuế hoặc không tiến hành xử phạt chậm nộp thuế đối với các DN chưa nộp thuế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Hỗ trợ DN trả chi phí bảo hiểm xã hội cho người lao động trong trường hợp phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh. Xem xét hoàn trả tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư cho các dự án đang tiến hành triển khai, chưa đi vào hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh." - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài


"Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 1,8 tỷ USD rau quả, 1 tỷ USD sữa và 1,4 tỷ USD thịt các loại, vì vậy trong ngắn hạn, cần cân nhắc áp dụng hàng rào thuế quan và phi thuế quan để giúp nông sản trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Có thể cân nhắc áp dụng thuế với hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh trực tiếp hàng trong nước, qua đó thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa nội địa trong ngắn hạn." - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần