GDP 9 tháng tăng 4,24%, kinh tế cuối năm đối mặt khó khăn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu của Tổng Cục Thống kê tại họp báo sáng 29/9, GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ , chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 khi có dịch Covid -19 xuất hiện.

Xuất khẩu, công nghiệp khó khăn do tổng cầu thế giới suy giảm

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023 nhưng được nhìn nhận tích cực với xu hướng tích cực. Trước đó, GDP quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%.

Quang cảnh họp báo
Quang cảnh họp báo

Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%, đóng góp 9,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%, đóng góp 22,27%; khu vực dịch vụ tăng 6,32%, đóng góp 68,57%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023 đóng góp 0,56 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,51 điểm phần trăm.

Tính chung 9 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD). Tuy nhiên, xuất khẩu, nhập khẩu có mức giảm 8,2-13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo cơ quan thống kê quốc gia, thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi ước tăng 14,1%.

Điểm sáng là các ngành thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 9 tháng năm 2023 tăng 6,32% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,87% và mức giảm 0,05% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%).

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9/2023 đạt hơn 1 triệu lượt người, giảm 13,4% so với tháng trước và gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước; số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 501,4 nghìn lượt người, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 8,9 triệu lượt người, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19; số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 3,8 triệu lượt người, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.

Thách thức mục tiêu 6,5%, thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng

Nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay là một áp lực lớn. Thách thức trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 được đặt ra trong bối cảnh nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 9 tháng có dấu hiệu chậm lại và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Theo Tổng Cục Thống kê, cần tiếp tục thúc đẩy cỗ xe tam mã, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng chính gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, các giải pháp đặt ra là tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách tài khoá, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tăng cường thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị, chuyển đổi số, nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ pháp lý...

Đẩy mạnh tiêu dùng, thúc đẩy hàng hoá thông qua thương mạng điện tử, khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng. Tập trung mở rộng đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu, tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm

Về đầu tư công, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng xanh, hạ tầng xanh, hạ tầng số quốc gia… để tạo tác động lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. "Cần khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư tư nhân. Ngoài ra, cần phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công - tư vào đầu tư hạ tầng" - bà Hương nói.

Cuối cùng là siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính trên các lĩnh vực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 1,08% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 9 tăng 3,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,66%. CPI bình quân quý 3 tăng 2,89% so với quý 3/2022. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.