Giá trị phát hành giảm
Theo đó, trong 2 tháng đầu năm 2021, có 22 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, tổng giá trị 11.428 tỷ đồng, giảm 40,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lĩnh vực BĐS chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị phát hành riêng lẻ, đạt 6.387 tỷ đồng, tương đương 55,9%. Các doanh nghiệp có xu hướng tập trung ở kỳ hạn 3 - 5 năm, khi có tới 12/22 đợt phát hành trái phiếu thành công ở kỳ hạn 3 - 5 năm. Lũy kế 2 tháng, tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt 15.562 tỷ đồng, giảm 19,6% so với mức 19.347 tỷ đồng năm 2020.
Căn cứ theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP, chỉ có các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có năng lực tài chính hoặc có chuyên môn về chứng khoán, như: Ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quản lý quỹ…; cá nhân nắm giữ danh mục đầu tư ít nhất 2 tỷ đồng hoặc cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất ít nhất 1 tỷ đồng mới được quyền mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Như vậy, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng cũng đã được siết chặt trong quy định mới nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt với đối tượng nhà đầu tư cá nhân.
“Sự giảm nhiệt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những tháng đầu năm chủ yếu do các thay đổi trong quy định phát hành theo hướng siết chặt hơn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 sẽ hạ nhiệt so với năm 2020, tuy nhiên chất lượng trái phiếu sẽ được nâng cao” - nhóm nghiên cứu tại VnDirect dự báo.
Giá trị chứng khoán tăng do “sốt” đất
Chuyên gia tài chính - TS Cấn Văn Lực cho biết, dự báo hết quý I/2021, cổ phiếu BĐS sẽ tăng khoảng 15%, một phần do cộng hưởng "sốt" đất. Còn với lĩnh vực xây dựng, năm ngoái đã có sự tăng rất tốt, toàn ngành giá trị gia tăng tăng 6,5%, góp phần quan trọng trong GDP.
“Giá chứng khoán của các doanh nghiệp xây dựng niêm yết năm 2020 tăng 27%, và quý I/2021, đến thời điểm hiện tại tăng 31%. Chúng ta thấy rõ ràng rằng thị trường đang đánh giá lĩnh vực BĐS và xây dựng tương đối khả quan. Đương nhiên, vẫn có các yếu tố rủi ro đi kèm” - TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Ngoài việc giá trị chứng khoán tăng, trong thời gian gần đây thị trường BĐS còn đón lượng lớn nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Theo thống kê, năm 2020, vốn đăng ký mới vào BĐS được 2,3 tỷ USD; góp vốn mua cổ phần, BĐS 2020 cũng tăng rất mạnh. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần khoảng 2 tỷ USD, chiếm 26% tổng vốn góp mua cổ phần của toàn quốc trong 2020.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế TS Lê Xuân Nghĩa, câu chuyện giá trị chứng khoán BĐS tăng thời gian gần đây một phần đến từ nguyên nhân “sốt” đất. Nhưng cần cảnh giác với câu chuyện "sốt" đất nền, đây luôn là nguồn cơn của "sốt" giá BĐS. Giá tiếp tục tăng nhưng không ai bán cả.
"Chúng tôi đã có báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ, dù không quá căng thẳng nhưng cần có giải pháp để kiểm soát giá đất nền. Kinh tế thực của Việt Nam có thể không đạt được tốc độ phát triển nhanh như mong muốn của nhà nước. Cùng với đó, các nguy cơ về bùng nổ tài chính có thể xảy ra. Tôi cho rằng, không nên đua theo dòng tiền của đất nền "sốt" ảo bởi có thể dẫn đến đổ vỡ BĐS” - TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.