Giá dầu âm giữa đại dịch Covid-19, cú sốc hay "tấm đệm" cho kinh tế thế giới?

Tú Anh (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu giảm sâu giữa lúc dịch Covid-19 diễn ra có thể trở thành bước đệm giúp phục hồi kinh tế toàn cầu, hay đem lại gánh nặng?

Giữa bối cảnh nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu đang suy giảm do các lệnh phong tỏa tại nhiều nước trên thế giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, giá dầu thô đã lao dốc, thậm chí có lúc rơi xuống mức âm và các cơ sở lưu trữ luôn trong tình trạng quá tải.

Con dao hai lưỡi

Dầu giá thấp giúp giảm chi phí vận chuyển và sản xuất, hỗ trợ túi tiền của người tiêu dùng toàn cầu và về cơ bản nới lỏng các điều kiện tài chính. Mặt khác có thể phá hủy cách thị trường chứng khoán và doanh thu của các nước xuất khẩu dầu. Vậy đâu sẽ là kịch bản cho các nền kinh tế hiện nay? 

 Giao lộ vắng tanh tại Los Angeles sau lệnh phong tỏa tại Mỹ

Theo CrossBorder Capital, nhìn chung giá dầu giảm sâu cùng với gói kích thích từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng T.Ư khác trên thế giới đã nới lỏng mạnh mẽ các điều kiện đầu tư, theo chỉ số thanh khoản mà hãng thống kê. Michael Howell, giám đốc điều hành CrossBorder Capital, ước tính mức kích thích của Fed đã tăng thêm 10 điểm vào chỉ số này vào tháng trước. Nhưng tác động của giá dầu giảm thậm chí còn có thể lớn hơn - cứ sau 10% giảm của giá các hợp đồng dầu tương lai sẽ giúp chỉ số này tăng chỉ số 3-4 điểm, đồng nghĩa mức giảm sâu của dầu ước tính ở 60% -70% trong năm nay có thể tạo tác động mạnh gấp đôi các động thái của FED trong tháng 3, Howell nói.

Nhìn về mặt tiêu cực, giá dầu giảm sẽ thắt chặt các điều kiện tài chính thông qua việc giảm vốn chủ sở hữu, lợi suất trái phiếu doanh nghiệp cao hơn và chi tiêu vốn của ngành năng lượng giảm. Nhưng hiệu ứng thắt chặt đó đã được giảm thiểu một phần bởi các gói kích thích tài chính và tiền tệ. Và sự tăng trưởng trong chỉ số thanh khoản, theo ông Howell là một điềm tốt cho nền kinh tế, chỉ số này thường dẫn trước đà tăng cho Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) từ 3-6 tháng. Theo đó, mô hình chữ V - lộ trình hồi phục nhanh sau khi rơi xuống "đáy” của nền kinh tế là viễn cảnh hoàn toàn khả thi.

Áp lực giảm phát?

Theo Morgan Stanley, khác với những đợt giá dầu giảm sâu trước đây là hiện nay Mỹ nổi lên như một nhà xuất khẩu dầu thô lớn, với doanh thu dầu khí chiếm 0,5% GDP hàng năm và 4% lượng đầu tư kinh doanh. Như vậy giá dầu thấp không còn đem lại tác động tích cực rõ ràng với nền kinh tế lớn nhất thế giới - thực tế việc giảm 50% dầu sẽ làm giảm 25 điểm cơ bản của GDP của Mỹ, các nhà phân tích của Morgan Stanley ước tính trong tháng 3.

Tuy nhiên xét về mặt tích cực, chỉ với mức giảm 40% của giá xăng bán lẻ sẽ giải phóng 125 tỷ USD thu nhập khả dụng cho người dân Mỹ trên cơ sở hàng năm – tương đương 0,6% GDP, cũng theo Morgan Stanley. Do đó, trong ngắn hạn, giá dầu giảm sẽ tác động tiêu cực với kinh tế Mỹ nhưng về lâu dài thì người tiêu dùng nước này sẽ được hưởng lợi trong sự phục hồi chậm rãi.

Tất cả những điều lạc quan này sẽ khó đến với những nhà sản xuất dầu mỏ lớn như Ả Rập Saudi và Nga. Mặt khác, các nước đang phát triển như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ sẽ được hưởng giá nhập khẩu thấp hơn và giảm bớt áp lực lạm phát.

Mối lo ngại khác là giá dầu lao dốc sẽ làm phức tạp cuộc chiến ngăn giảm phát trên toàn thế giới. Tuy nhiên, lạm phát kỳ vọng khu vực Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu chỉ giảm 10 và 5 điểm cơ bản trong hai tuần qua, mặc dù biên độ giảm của giá dầu rõ ràng lớn hơn, nhờ các gói kích thích.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia có cách riêng để tận dụng giá dầu giảm sâu. Ví dụ như Australia từ lâu đã có một trong những kho dự trữ xăng dầu khẩn cấp “nghèo nàn” nhất trong số các quốc gia phát triển, khiến nước này dễ bị tổn thương khi tình hình căng thẳng diễn ra ở các điểm nóng như Eo biển Hormuz. Do đó nước này đã quyết sẽ chi 94 triệu AUD (59 triệu USD) để bắt đầu phát triển một kho dự trữ dầu chiến lược, dự kiến được thiết lập tại Mỹ, tận dụng thời điểm giá dầu giảm.  Giới chức Australia khẳng định, đây là “cơ hội duy nhất” để bắt đầu dự trữ nhiên liệu, khi giá dầu liên tiếp chạm các mức thấp nhất trong lịch sử.