Giá dầu bám sát mức đỉnh 4 tháng do có khả năng thiếu hụt nguồn cung

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu vẫn duy trì ở mức cao trong phiên 15/3 nhờ được hỗ trợ từ việc cắt giảm của OPEC cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ của Venezuela và Iran.

Nguồn cung dầu mỏ thế giới được dự áo có thể xảy ra tình trạng thâm hụt nhẹ trong quý I/2019 nhờ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh cùng với việc Mỹ áp lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran và Venezuela
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 15/3, giá dầu Brent giảm nhẹ 8 xu Mỹ, xuồng mức 67,15 USD/thùng, nhưng vẫn sát mức cao nhất trong 4 tháng thiết lập trong phiên trước đó lên tới 68,14 USD/thùng.
Giá dầu vẫn duy trì gấn sát mức cao nhất trong 4 tháng ở phiên 15/3.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI được giao dịch ở mức 58,55 USD/thùng, hạ 6 xu Mỹ, không xa mức đỉnh kể từ cuối tháng 12/2018 lên tới 58,74 USD/thùng trong phiên 14/3.
Mặc dù giảm nhẹ trong phiên này, giá “vàng đen” đã leo dốc tới 25% kể từ đầu năm nay nhờ nhận được lực đẩy quan trọng từ việc cắt giảm sản xuất nhằm cân bằng thị trường của các nước trong và ngoài OPEC.
Bên cạnh đó, tại khu vực Trung Đông, Mỹ cũng đang áp dụng các lệnh trừng phạt lên Iran và đặt mục tiêu cắt giảm 20% lượng xuất khẩu dầu mỏ của nước này, xuống dưới 1 triệu thùng/ngày từ tháng 5/2019. Những diễn biến này giúp đẩy lùi lo ngại về tình trạng dôi dư nguồn cung dầu toàn cầu, vốn là nhân tố nhấn chìm giá dầu trong những năm trước. 
Ông Ole Hansen - Giám đốc chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo của Đan Mạch, nhận xét: “Giá dầu sẽ tiêpc tục phục hồi nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng đang được các nước OPEC và các đồng minh cùng với việc sụt giảm sản lượng tại Venezuela do chịu lệnh trừng phạt của Mỹ”.
Ngoài ra, nhu cầu dầu mỏ tại Trung Quốc - nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới, đang cải thiện cũng là nhân tố làm lợi cho thị trường dầu mỏ trong thời gian tới. Số liệu thống kê mới nhất từ Chính phủ Trung Quốc cho hay, lượng tiêu thụ dầu tinh chế của nước này trong 2 tháng đầu năm 2019 đã đạt mức kỷ lục, lên tới 12,68 triệu thùng dầu/ngày, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo dữ liệu dòng chảy dầu thô toàn cầu của Refinitiv, với việc OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, tự nguyện cắt giảm và các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm chặn xuất khẩu dầu mỏ của Iran và Venezuela ra thị trường thế giới, tình trạng nguồn cung bị thiếu hụt nhẹ có thể xuất hiện ngay trong quý I năm nay.
Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ cho biết mức tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu trong tháng 1/2019 đạt mức gần 2,0 triệu thùng/ ngày, tăng mạnh tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế phát triển.
Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ đạt mức trên 70 USD/thùng nều nguồn cung được siết chặt hơn và nhu cầu dẩu mỏ không biến động nhiều.
OPEC có thể gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng
OPEC đang cân nhắc kịch bản gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau tháng 6/2019 nhằm ngăn chặn nguy cơ dư thừa nguồn cung.
Trong một báo cáo công bố ngày 14/3, OPEC đã hạ dự báo nhu cầu của thế giới đối với dầu mỏ của khối này trong năm 2019, đồng thời cân nhắc kịch bản gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau tháng 6/2019 nhằm ngăn chặn nguy cơ dư thừa nguồn cung.
OPEC đang cân nhắc kịch bản gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau tháng 6/2019.
Theo báo cáo này, nhu cầu dầu mỏ trên thị trường thế giới đối với nguồn cung từ OPEC sẽ ở mức trung bình 30,46 triệu thùng/ngày, giảm 130.000 thùng so với dự báo của tháng trước đó và thấp hơn so với sản lượng của OPEC.
OPEC, Nga và một số đối tác khác, hay còn gọi là nhóm OPEC+, nỗ lực thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,2 triệu thùng/ngày trong 6 tháng kể từ tháng 1/2019.
Báo cáo của OPEC cho biết, việc một số nhà sản xuất khác ngoài OPEC tăng sản lượng dầu thô là nguyên nhân khiến OPEC+ cần phải cân nhắc tiếp tục cắt giảm sản lượng.
Theo OPEC, trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ thế giới dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng “khiêm tốn” trong năm 2019 và thấp hơn ngưỡng kỳ vọng từ các nhà cung cấp ngoài OPEC, các nhà sản xuất cần tiếp tục chia sẻ trách nhiệm nhằm tránh lặp lại sự mất cân bằng và tiếp tục hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ trong năm nay.
OPEC dự đoán, các nhà sản xuất ngoài khối này sẽ nâng sản lượng thêm 2,24 triệu thùng/ngày trong năm 2019, tăng 60.000 thùng so với dự báo trước đó.
Theo tính toán của OPEC, thị trường dầu mỏ có thể vẫn đối mặt với nguy cơ dư cung nếu OPEC giữ nguyên sản lượng của tháng 2, nhất là khi các đối thủ như Mỹ vẫn tăng sản lượng.
Bên cạnh đó, các dấu hiệu khác trên thị trường cũng cho thấy những lo ngại kéo dài về tình trạng dư thừa nguồn cung, khi báo cáo của OPEC cho biết nguồn dự trữ dầu mỏ trong tháng 1 vừa qua tại các nền kinh tế phát triển cao hơn ngưỡng trung bình của 5 năm qua.
Các nguồn tin OPEC đã đề cập tới khả năng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
Theo kế hoạch, OPEC sẽ nhóm họp vào tháng 4 tới để thảo luận về kịch bản này, mặc dù Ả Rập Saudi tuyên bố quyết định cuối cùng sẽ chưa thể được đưa ra cho tới cuộc họp khác vào tháng 6 năm nay.