Giá dầu đạt mức cao nhất do lo ngại nguồn cung từ Iran bị thu hẹp

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên giao dịch ngày 10/5, giá "vàng đen" tăng mạnh nhất trong nhiều năm qua sau khi Mỹ thông báo rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, tái áp đặt lệnh trừng phạt với Tehran trong bối cảnh thị trường đã thắt chặt hơn.

Tổng thống Donald Trump ngày 8/5 tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được năm 2015 và sẽ áp đặt trở lại lệnh trừng phạt kinh tế ở mức cao nhất lên quốc gia Hồi giáo.
Iran và 6 cường quốc khác, gồm Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga, Trung Quốc đạt được thỏa thuận này từ năm 2015. Việc áp dụng trở lại lệnh trừng phạt đối với Iran có thể dẫn tới việc xuất khẩu dầu của nước này giảm và thắt chặt dòng dầu bơm ra thị trường.
Giá dầu tăng mạnh trong phiên 10/5.
Hiện sản lượng khai thác dầu của Iran đứng ở mức khoảng 3,8 triệu thùng/ngày, chiếm 4% nguồn cung của thế giới. Trong đó, Iran xuất khẩu khoảng 2,5 triệu thùng dầu/ngày. Hãng tin Bloomberg dẫn lời các chuyên gia cho rằng động thái của Mỹ có thể khiến sản lượng dầu thô của Tehran giảm tối đa 800.000 thùng dầu/ngày.
Trong phiên này, giá dầu Brent giao sau hiện giao dịch với 77,76 USD/thùng, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2014.
Trong khi đó, dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng đạt đỉnh kể từ tháng 11/2014, lên 71,75 USD/thùng, tăng 0,7% so với phiên trước đó.
Ngay sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Tehran, giá dầu giao sau tăng gần 3%, lên mức đỉnh 3,5 năm rưỡi trong phiên 9/5.
Tại Trung Quốc, nước mua dầu thô lớn nhất của Iran, dầu thô kỳ hạn Thượng Hải đã chứng kiến phiên leo dốc lớn nhất trong ngày kể từ thời điểm chào bán vào tháng 3, tăng hơn 4% so với mức kỷ lục khoảng 73,40 USD/thùng trước đó.
Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Iran có thể sẽ có “mức độ ảnh hưởng lớn". Do các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Tehran và rủi ro đối với nguồn cung dầu ở những nước khác, đặc biệt là tại Venezuela, ngân hàng Mỹ nhận định giá dầu có thể lên mức 82,50 USD/thùng.
Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia châu Á cũng như châu Âu là các khách hàng chủ chốt của Iran. Xuất khẩu dầu của quốc gia Hồi giáo được cho là sẽ không giảm ngay lập tức, do các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đưa ra sẽ mất 180 ngày mới có hiệu lực.
Andreas Georgiou, chuyên gia phân tích tại XM, cho rằng hiện vẫn chưa rõ tác động từ quyết định này của Mỹ lên thị trường dầu ra sao. Trong khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm đạt được một thỏa thuận mới với Iran, các nước còn lại trong thỏa thuận vẫn chưa đồng thuận. "Nếu các quốc gia này và cả Iran quyết định ở lại thỏa thuận, thì việc rút lui đơn phương của Mỹ sẽ không có nhiều tác động, nhất là khi Mỹ không nhập dầu từ Iran", chuyên gia Georgiou cho biết.
Ả Rập Saudi đã cam kết sẽ giúp ổn định thị trường dầu khi Mỹ quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tuy vậy, các chuyên gia phân tích tại S&P Global Platts cảnh báo rằng Ả Rập Saudi, Nga và các nước đồng minh khác sẽ không lập tức thay đổi thỏa thuận hạn chế khai thác dầu do họ muốn thử mức độ chịu đựng của khách hàng trước việc giá dầu tăng ra sao.
Một yếu tố khác góp phần đẩy giá dầu leo dốc mạnh trong phiên này là tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 2,2 triệu thùng, xuống 433,8 triệu thùng trong tuần trước sau 2 tuần tăng tăng liên tiếp, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Mức giảm này mạnh hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia trước đó.