Giá dầu mất mốc đỉnh 70 USD/thùng do sản lượng của Mỹ tăng kỷ lục

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu giảm nhẹ trong phiên 4/4 trong bối cảnh thị trường chịu áp lực từ lượng tồn kho và sản lượng dầu của Mỹ đạt mức kỷ lục.

Số liệu từ báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (IEA) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng thêm 7,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 29/3. Trước đó, giới phân tích dự báo tồn kho này giảm 425.000 thùng.
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên 4/4.
Bên cạnh đó, sản lượng khai thác dầu của Mỹ trong tuần báo cáo tăng lên mức 12,2 triệu thùng/ngày, mức tăng cao chưa từng có. Tuy nhiên, những thông tin này không khiến giá dầu giảm sâu.
Đầu phiên giao dịch ngày 4/4, giá dầu Brent giảm 2 xu Mỹ, xuống còn 69,29 USD/thùng. Mặt hàng dầu này cũng sụt 6 xu Mỹ, sau khi chạm 69,96 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 12/11/2018 khi đạt mức trên 70  USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI hạ 14 xu Mỹ, tương đương 0,2%, ở mức 62,34 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng mất 12 xu Mỹ, còn 62,46 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI tăng lên 62,99 USD/thùng, cao nhất từ ngày 7/11.
Ông Stephen Stephen Innes - phụ trách chiến lược giao dịch và thị trường tại SPI Asset Management nhận định: “Đà tăng cao của giá dầu đã thúc đẩy các nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra để chốt lời trong phiên này”.
Tuy nhiên, việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cùng các nước đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn gọi là nhóm OPEC+, giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng/ngày từ đầu năm đến nay vẫn đang là nhân tố hỗ trợ chủ đạo đối với giá “vàng đen”.
Giá dầu Brent đã leo dốc gần 30% kể từ đầu năm đến nay, trong khi giá dầu WTI cũng tăng gần 40% nhờ nguồn cung toàn cầu được siết chặt hơn và các dấu hiệu tích cực từ nhu cầu dầu mỏ.
Một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện trong tuần này cho thấy nguồn cung dầu từ các nước OPEC trong tháng 3 đã giảm xuống mức thấp nhất 4 năm. Sản lượng dầu của Nga cũng hạ về mức 11,3 triệu thùng/ngày trong tháng 3, dù nước này chưa đạt mức sản lượng cam kết cắt giảm.
Trong một báo cáo mới nhất, Ngân hàng BNP Paribas nhận định: "Chúng tôi dự báo sản lượng dầu của OPEC sẽ đạt mức trung bình 30,1 triệu thùng/ngày trong 2019, giảm từ mức 31,9 triệu thùng/ngày trong 2018". Hồi đầu năm, ngân hàng này dự báo nguồn cung dầu OPEC chỉ giảm 200.000 thùng/ngày trong năm nay.
Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với IranVenezuela cũng đang khiến nguồn cung dầu thắt chặt hơn. Một quan chức Mỹ ngày 3/4 cho biết trong số 8 nước và vùng lãnh thổ được Washington thời gian qua cho phép tiếp tục mua dầu của Iran mà không bị trừng phạt, hiện đã có 3 nước cắt giảm nhập khẩu dầu Iran về mức bằng 0.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 2/4 tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực đối với ngành công nghiệp dầu lửa của Venezuela bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Ông Pence nói giá dầu thế giới hiện nay đủ thấp để Washington sử dụng các biện pháp như vậy.