Giá dầu rời đỉnh hơn 3 năm do nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên 20/4, giá dầu giảm nhẹ, tuột khỏi mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 do các nhà giao dịch tăng cường hoạt động bán ra chốt lời.

Giá dầu thô Brent tương lai LCOc1 giao dịch ở mức 73,26 USD/thùng, giảm 52 xu Mỹ so với phiên trước đó. Dầu thô ngọt nhẹ WTI kỳ hạn giao sau cũng hạ 48 xu Mỹ, xuống còn 67,81 USD/thùng.
Giá dầu giảm nhẹ, rơi khỏi mức cao nhất trong hơn 3 năm trong phiên 20/4.
James Williams - kinh tế gia về năng lượng tại WTRG Economics cho rằng, giá nhiên liệu  giảm là do lực chốt lời sau khi tăng mạnh phiên trước đó.
Tuy nhiên, giá “vàng đen” vẫn quanh mức cao nhất trong hơn 3 năm đạt được trong phiên trước đó nhờ nỗ lực cắt giảm nguồn cung do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dẫn dắt và nhu cầu tăng cao làm hạn chế tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu.
Giá hai loại dầu Brent và WTI đều đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 trong phiên 19/4 và lần lượt ở mức  74,75 USD/thùng và 69,56 USD/thùng. Hai loại dầu chủ chốt này hướng đến tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp.
Tại cuộc họp ngày 19/4, Ủy ban chung giám sát cấp bộ trưởng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác cho rằng lượng dư cung dầu mỏ trên thế giới dường như đã chấm dứt hoàn toàn.  Ủy ban này cũng được cho là sẽ tuyên bố tích cực về mức tuân thủ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung và xem xét khả năng đẩy giá dầu lên mức 100 USD/thùng, theo John Macaluso - chuyên gia phân tích tại Tyche Capital Advisors.
Tại cuộc gặp hồi tháng 1 của ủy ban này, mức tuân thủ thỏa thuận đạt 129% trong tháng 12/2017. Các nước thành viên OPEC đang xem xét mục tiêu đẩy giá dầu lên cao hơn nữa. Các quan chức của Ả Rập Saudi mới đây thể hiện mong muốn đưa giá dầu lên mức 80 USD và thậm chí 100 USD/thùng. Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Khalid al-Falih nói rằng OPEC và các đồng minh của họ vẫn còn xa mục tiêu tái cân bằng thị trường dầu toàn cầu và vẫn cần tiếp tục kéo giảm lượng tồn kho dầu mỏ.
“Ả Rập Saudi dường như vẫn muốn thúc đẩy một chương trình nghị sự mạnh mẽ để duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu sau thời điểm năm 2018 mặc dù OPEC đã đạt mục tiêu giảm lượng tồn kho xuống mức trung bình 5 năm gần đây", chiến lược gia thị trường Harry Tchilinguirian của  BNP Paribas cho biết.
Cuộc họp sắp tới của OPEC dự kiến diễn ra ngày 22/6 tại Vienna, Áo. Các nước thành viên khối này dự định sẽ thảo luận việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung khi thỏa thuận này hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs ngày 19/4 đưa ra nhận định khá lạc quan: "Dữ liệu về nhu cầu dầu toàn cầu đến hết năm 2018 diễn biến khá tích cực, chúng tôi dự báo trong quý I/2018, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ quý IV/2010 lên khoảng 2,55 triệu thùng/ngày. lưu ý công bố vào cuối ngày thứ năm.
Thị trường dầu mỏ được cho là tiếp tục hưởng lợi từ nỗi lo ngại về tình hình căng thẳng địa chính trị. Các nhà giao dịch dự đoán Mỹ sẽ tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 của OPEC, có thể dẫn tới giảm nguồn cung từ Trung Đông.