Giá dầu thế giới mất 10% kể từ cuối tháng 1 do đồng USD tăng cao

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến phiên giao dịch ngày 22/2, giá dầu thế giới đã sụt giảm khoảng 10% sau khi chạm đỉnh trong lên hơn 70 USD/thùng trong tháng 1/2018 do đồng USD mạnh lên.

Trong phiên giao dịch ngày 22/2, giá dầu thế giới giảm, do đồng USD mạnh lên đã làm lu mờ tác động tích cực của báo cáo cho thấy lượng dầu thô dự trữ hàng tuần của Mỹ giảm xuống.
Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 11 xu Mỹ, giao dịch ở mức 65,31 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng giảm 24 xu Mỹ, xuống còn 61,44 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch này, tỷ giá đồng USD tăng lên mức cao nhất trong một tuần qua so với rổ các đồng tiền chủ chốt, sau khi biên bản cuộc họp chính sách ngày 30-31/1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy các nhà hoạch định chính sách tỏ ra chắc chắn hơn về sự cần thiết của việc tiếp tục tăng lãi suất. 
 
Được biết, đồng USD tăng mạnh có thể gây sức ép đến các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh, như dầu, khiến hàng hóa này trở nên đắt đỏ hơn đối với người sử dụng những đồng tiền khác.
Stephen Innes, Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Công ty môi giới kỳ hạn OANDA cho biết: “Đồng bạc xanh mạnh lên tiếp tục gây tâm lý lo ngại đối với nhà đầu tư bất chấp số liệu tồn kho dầu của Mỹ sụt giảm”.
Viện Xăng dầu Mỹ ngày 21/2 cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ sụt giảm 907.000 thùng xuống 420,3 triệu thùng trong tuần tính tới 16/2.
Chuyên gia Innes cho biết “cơ sở hạ tầng đường ống dẫn tới bờ Vịnh đã cải thiện và sự sụt giảm nguồn cung cấp qua đường ống Keystone của TransCanada đã kiến tồn kho giảm”.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố báo cáo hàng tuần về nguồn cung vào thứ Năm (23/2), muộn một ngày do nghỉ lễ nhân dịp Ngày Tổng thống Mỹ. Số liệu trong tuần trước của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô Mỹ tăng 1,8 triệu thùng trong tuần kết thúc 9/2.