Giá dầu thế giới tăng mạnh nhờ triển vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên giao dịch ngày 9/3, giá "vàng đen" quay đầu đi lên cùng với đà tăng điểm trên thị trường chứng khoán châu Á sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Thị trường trên toàn khu vực tăng vọt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận lời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tham gia cuộc gặp chưa từng có, với khả năng giúp xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Giá dầu thế giới tăng mạnh nhờ thỏa thuận cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Trước đó, Chủ tịch Văn phòng an ninh quốc gia Hàn Quốc, ông Chung Eui-young cho biết Tổng thống Trump sẽ gặp ông Kim Jong Un vào tháng 5 tới.  Đồng thời, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng cam kết sẽ kiềm chế các vụ thử tên lửa và hạt nhân, theo ông Chung.
Thông tin này làm dấy lên hy vọng rằng sẽ đạt được một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng mà lâu nay gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. 
Thỏa thuận về cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim đã đẩy thị trường chứng khoán châu Á và dầu mỏ cùng leo dốc, theo các thương nhân.
Cụ thể, giá dầu Brent tương lai giao dịch ở mức 63,95 USD/thùng, tăng 34 xu Mỹ, tương đương 0,5% so với phiên trước đó.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng nhích 27 xu Mỹ, tương đương 0,45% lên mức 60,39 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này giảm hơn 2% kết thúc  phiên giao dịch trước đó.
Dù tăng giá trong phiên cuối tuần, song cả 2 loại dầu Brent và WTI đang hướng đến một tuần mất giá với các mức giảm lần lượt là gần 1% và 1,7%.
Giới đầu tư cho rằng nguyên nhân khiến giá dầu giảm như vậy là do sản lượng dầu thô của Mỹ liên tục gia tăng. Kể từ giữa năm 2016, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng 23% lên 10,37 triệu thùng/ngày.  Số liệu này cao hơn sản lượng của nhà xuất khẩu hàng dầu thế giới là Ả Rập Saudi.
Nhờ công nghệ mới khai thác dầu khí đá phiến, sản lượng dầu của Mỹ hiện chỉ đứng sau con số khoảng gần 11 triệu thùng/ngày của Nga.
Hans van Cleef, chuyên gia kinh tế năng lượng tại ngân hàng ABN Amro cho biết: “Việc Mỹ sẽ trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới dường như sẽ diễn ra sớm hơn so với dự báo trước đó. Hiện vấn đề quan tâm nhất đối với giới đầu tư là bao giờ Mỹ sẽ thực hiện được việc này".
Theo chuyên gia van Cleef, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2018 và 2019. "Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác đến cuối năm 2019, song cũng khiến các nhà sản xuất dầu Mỹ tiếp tục tăng sản lượng".
OPEC cùng với Nga đang thực hiện cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng dầu/ngày từ đầu năm 2017 đến nay nhằm hạn chế tình trạng dư cung  trên thị trường toàn cầu để hỗ trợ giá dầu.