Giá dầu tiếp tục lao dốc tuần thứ tư liên tiếp

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường “vàng đen" ghi nhận tuần mất giá thứ tư liên tiếp, chuỗi tuần giảm giá dài nhất kể từ tháng 8/2015 đối với giá dầu giao tương lai (WTI). Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI hạ 2,4% và dầu Brent mất 1,6%.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, trên thị trường dầu, giá dầu WTI tăng, tuy nhiên vẫn kết thúc tuần mất giá thứ tư liên tiếp. Nguyên nhân là các nhà đầu tư vẫn nghi ngờ tính hiệu quả của việc thực hiện cắt giảm sản lượng khai thác của Nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu chủ chốt khác.
Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes công bố số lượng giàn khoan đang hoạt động của Mỹ tăng 6 giàn lên 747 giàn trong tuần tính đến hết ngày 16/6. Điều này làm gia tăng lo ngại về việc sản xuất dầu tăng ở Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới những nỗ lực giảm dầu tồn kho toàn cầu xuống mức trung bình trong 5 năm.
 Thị trường dầu thế giới tiếp tục chứng kiến một tuần đi xuống.
Báo cáo của Baker Hughes được đưa ra sau khi OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cập nhật số liệu hàng tồn kho hồi đầu tuần, cho thấy sản lượng vẫn tăng trong khi nguồn dầu dự trữ tiếp tục được tích cao.
Lãnh đạo OPEC cho biết sản lượng đầu ra của tổ chức tăng 336.000 thùng/ngày trong tháng 5 lên 32,14 triệu thùng/ngày. Trong khi IEA nói rằng sản xuất dự báo sẽ tăng 700.000 thùng/ngày trong năm nay.
Trong hai phiên giao dịch đầu tuần này (12-13/6), những tín hiệu về dự trữ dầu của Mỹ giảm và việc Ả rập Saudi khẳng định sẽ hạn chế lượng dầu xuất khẩu sang một số nước châu Á trong tháng 7/2017, đã giúp giá dầu tăng liên tiếp.
Tuy nhiên, thị trường “vàng đen” đánh mất đà tăng trong phiên giao dịch ngày 14/6 với hai loại dầu chủ chốt đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 25/5. Giá dầu thế giới tiếp tục chịu áp lực đi xuống do lo ngại về nguồn cung toàn cầu dư thừa.
Thị trường năng lượng tiếp tục giao dịch ảm đạm trong phiên 15/6. Tuy nhiên, sang phiên cuối tuần, giá dầu hồi phục nhờ một số nước sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới siết chặt hoạt động xuất khẩu và nhịp độ tăng lượng giàn khoan hoạt động tại Mỹ bắt đầu chậm lại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/6, giá dầu WTI tăng 28 xu Mỹ lên 44,74 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2016 tăng 45 xu Mỹ lên 47,37 USD/thùng.
Nhân tố chính giúp đẩy giá “vàng đen” đi lên trong phiên cuối tuần là sự suy yếu của đồng USD, vốn được xem là có tác động đáng kể tới các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này.