Giá điện có tăng, có giảm

Khánh Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Không chỉ tăng mà giá điện cũng có thể điều chỉnh giảm, đây được coi là một bước đi quan trọng để hướng tới một thị trường điện thực thụ: có tăng, có giảm theo cung cầu của thị trường, như giá xăng, dầu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cùng với đó, giá điện theo cơ chế thị trường sẽ giúp ngành điện thu hút thêm nguồn vốn đầu tư để xây dựng các nhà máy điện mới theo Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, cơ chế này phải minh bạch và phải phản ánh đúng thực tế nhu cầu của thị trường.

Góp ý về dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định 24/2017/NQ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân mà Bộ Công Thương đang đưa ra để lấy ý kiến, Tập đoàn Điện lực
Việt Nam (EVN) thống nhất quy định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu 3 tháng/lần thay vì 6 tháng như hiện nay.

Thực tế cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện hành được thực hiện từ năm 2017 đang bộc lộ những vấn đề. Bên cạnh đó thực tế triển khai điều chỉnh giá bán điện 6 tháng thời gian qua cho thấy đa phần giá bán điện chỉ có tăng, chưa giảm bao giờ. Nay theo dự thảo của Bộ Công Thương trong trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN sẽ có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng. Thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng, thay vì 6 tháng như quy định hiện nay được nhận định sẽ giúp DN và người dân thuận lợi điều chỉnh kế hoạch sử dụng điện. Bởi chu kỳ điều chỉnh giá dài được nhận định dễ dẫn tới trường hợp giá điện có thể tăng đột biến trong một lần điều chỉnh, gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô cũng như sản xuất của DN và đời sống của người dân.

Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiếu còn 3 tháng không chỉ bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị là xóa bỏ mọi rào cản để giá năng lượng do thị trường quyết định, phù hợp với luật giá mà còn giúp chi phí được điều chỉnh một cách kịp thời, không để bị dồn tích, dẫn đến điều chỉnh giá điện linh hoạt hơn. Cùng với đó, việc thời gian được phép điều chỉnh được rút ngắn cũng giúp nhà đầu tư yên tâm hơn vào đầu tư phân phối điện, thị trường điện. Điều mà trước kia rất khó triển khai.

Tuy nhiên, cùng với việc giá bán điện bình quân tối thiếu còn 3 tháng cũng cần phải bảo đảm sát thực nhất những chi phí phát sinh, biến động trên thị trường phát điện cạnh tranh, đồng thời tạo tiền đề cho giá điện thực sự có tăng có giảm. EVN tăng hay giảm giá điện bao giờ cũng phải có giải trình, tính toán vì sao tăng, vì sao giảm, những yếu tố nào quyết định tới việc tăng, giảm giá điện? EVN phải tính toán đầy đủ yếu tố đầu vào từ đó tính ra giá phát điện, truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ...

Cùng với đó, các thông tin trong ngành điện cần được công khai, minh bạch bằng nhiều hình thức để các bên liên quan, người dân nắm bắt dễ dàng, chính xác và đóng góp ý kiến phản biện, tăng cường quản lý thông tin và giám sát. Tránh việc EVN cứ than lỗ và đề xuất tăng giá điện mà người dân không rõ lý do cụ thể, chi tiết. Mọi thông tin mập mờ đều có thể làm người dân bức xúc và thiếu tin tưởng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch.