Giá gạo xuất khẩu Việt Nam: Kỳ vọng lấy lại ngôi đầu thế giới

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều quốc gia vẫn cao, giá gạo tăng liên tục đang mang lại cơ hội hiếm có cho hạt gạo Việt Nam. Do đó, tận dụng thời cơ, phát triển thị trường, gia tăng cả khối lượng và giá trị là mục tiêu mà ngành hàng xuất khẩu gạo hướng tới.

Giá gạo xuất khẩu lập đỉnh mới

Những ngày giữa tháng 7, giá gạo xuất khẩu trên thị trường châu Á liên tục biến động khi điều chỉnh tăng ở các nước xuất khẩu lớn. Chỉ trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có 2 phiên điều chỉnh tăng liên tiếp với mức tăng 15 USD/tấn.

Cụ thể, ngày 18/7, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam điều chỉnh tăng 10 USD/tấn. Theo đó, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 528 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 508 USD/tấn; Jasmine 623 USD/tấn. Mức giá này đã tăng 20 USD/tấn so với đầu tháng 7.

Tại Thái Lan, dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo cho thấy, giá gạo tấm 5% của nước này đã tăng khoảng 15% trong 4 tháng qua, lên mức 535 USD/tấn. Tại Pakistan, giá gạo cũng đã tăng lên mức cao khi điều chỉnh tăng tới 40 USD/tấn so với ngày 3/7/2023.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh từ nay đến cuối năm do lượng gạo tiêu thụ trên thế giới tăng cao. Ảnh: Phạm Hùng
Xuất khẩu gạo của Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh từ nay đến cuối năm do lượng gạo tiêu thụ trên thế giới tăng cao. Ảnh: Phạm Hùng

Về hiện tượng này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam cho biết: giá gạo thời gian qua tăng vọt do nguồn cung bị ảnh hưởng. Các quốc gia lo sợ hạn hán, cộng với lạm phát nên mua gạo tích trữ bảo đảm an ninh lương thực. Hiện nay, ngoài thị trường truyền thống, ví dụ như Philippines mỗi năm nhập khẩu của Việt Nam từ 2,3 - 3 triệu tấn gạo, gần đây các DN cũng nhận được nhiều hợp đồng từ Trung Quốc, Indonesia. Một số quốc gia ở Nam Phi đang quay trở lại mua gạo Việt, đã làm cho giá gạo Việt Nam tăng nhanh.

Cùng với đó, những thông tin về việc Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo đang được DN theo dõi sát sao. Bởi Ấn Độ hiện chiếm tới 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.

Nếu lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được thông qua thì giá gạo trên thế giới sẽ tăng đáng kể; đồng thời tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu gạo khác như Việt Nam và Thái Lan gia tăng thị phần.

Về thông tin Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường phân tích: nếu lệnh cấm này được thực hiện, giá gạo trên toàn cầu sẽ tăng đột biến. Vì Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, trong khi giá gạo phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung. Cung khan hiếm sẽ đẩy giá gạo lên cao, vấn đề này đã từng xảy ra thời điểm năm 2008.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4,2 triệu tấn gạo, trị giá 2,26 tỷ USD, tăng 21% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Mức giá gạo xuất khẩu bình quân trong 6 tháng qua đạt 539 USD/tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái và chạm mức cao nhất 10 năm qua.

Đáng chú ý, tính riêng tháng 6/2023, giá gạo xuất khẩu bình quân lên tới 650 USD/tấn, tăng 9,4% so với tháng 5 trước đó và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo Việt Nam đang tiếp tục duy trì đà tăng trong bối cảnh nhu cầu đối với gạo Việt ở mức cao.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang tích cực thu mua gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực khi hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp trên toàn cầu.

Tận dụng giá cao để đổi mới phát triển thị trường

Bộ Công Thương đánh giá, hiện tượng thời tiết El Nino xuất hiện ở châu Á đang gây lo ngại tại nhiều quốc gia về hoạt động sản xuất lương thực.

Giá gạo Việt Nam tiếp tục neo ở vùng giá cao khi nhu cầu trên thế giới cao, trong khi nguồn cung trong nước khan hiếm do vụ thu hoạch cũ đã kết thúc. Bộ Công Thương khuyến nghị, trong thời gian tới, bên cạnh tiếp tục duy trì đà tăng cả về giá trị và khối lượng, các DN cần tận dụng cơ hội giá lên cao để đổi mới công tác phát triển thị trường.

"Ở khâu thương mại, các DN tập trung vào việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để định hình cũng như nâng cao giá trị của hạt gạo. Cùng với vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, gạo Việt cũng đang khẳng định là hạt gạo hội tụ đầy đủ các yếu tố: ngon, chất lượng, an toàn. Do đó, bên cạnh thương hiệu gạo chung của quốc gia, những DN cần gắn với “tên tuổi” loại gạo cụ thể" - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định.

 

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng đến cuối năm nay do lượng gạo tiêu thụ trên thế giới tăng cao kỷ lục trong hai năm 2023 - 2024, trong khi sản lượng sản xuất và tồn kho gạo toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Dự kiến năm 2023, sản lượng lúa toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 24 triệu tấn, trong đó khoảng 13 tấn dành cho xuất khẩu. Đây sẽ là nguồn cung gạo hàng hóa lớn, thuận lợi cho các DN chế biến xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

 

Theo số liệu cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa cho xuất khẩu của Bộ NN&PTNT, tính chung tình hình sản xuất cả nước năm 2023 sau khi trừ tiêu dùng nội địa, lượng hàng hóa dùng cho xuất khẩu chủ yếu tập trung tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 13 triệu tấn, tương đương khoảng 6,6 - 7 triệu tấn gạo phục vụ cho xuất khẩu năm 2023.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định, xuất khẩu gạo trong quý III và quý IV/2023 sẽ tiếp tục thuận lợi nhờ nhu cầu gạo còn tăng nhẹ có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế.

Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở những nước khu vực Trung Đông tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao khi người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam…

Ông Đỗ Hà Nam nhìn nhận, nguồn cung gạo thế giới khan hiếm trong khi nhu cầu tiêu thụ rất cao, từ tất cả các thị trường. Ước tính, nhu cầu của khách hàng đối với gạo Việt Nam tăng thêm ít nhất hơn 1 triệu tấn trong năm 2023, so với mức trung bình các năm. Vì vậy, tình hình thị trường từ nay đến cuối năm vẫn rất khả quan.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn đánh giá, nhu cầu nhập khẩu gạo tại thị trường truyền thống của
Việt Nam như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi tăng đang tạo cơ hội để ngành gạo tăng tốc xuất khẩu.

Đặc biệt, cả Indonesia và châu Phi đều công bố lượng nhập khẩu tăng đáng kể so với năm trước, bảo đảm dự trữ lương thực quốc gia. Indonesia đã quyết định gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn nhằm bảo đảm an ninh lương thực.

Châu Phi dự kiến nhập khẩu khoảng 17,7 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu về gạo ước đạt trên 42,2 triệu tấn trong năm 2023.

“Các DN xuất khẩu gạo nên cẩn trọng khi ký kết hợp đồng trước tình hình giá gạo có nhiều biến động. Trong đó các hợp đồng cũ còn lại đã ký từ trước đây giá sẽ không cao lắm, song để giữ uy tín, DN vẫn cần bảo đảm cung ứng đủ cho khách hàng. Mặt khác, khi ký kết hợp đồng bán gạo với giá cao mà trong kho không có gạo thì rất rủi ro, nếu có biến cố xảy ra thì sẽ ảnh hưởng tới uy tín của DN nói riêng, hạt gạo Việt Nam nói chung” - ông Tô Ngọc Sơn khuyến cáo.