Giá hàng hóa dịp Tết ổn định

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như mọi năm vào thời điểm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá cả hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tươi sống thường tăng, thì năm nay những mặt hàng này không biến động.

 Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Hapro ngày mùng 4 Tết. Ảnh: Lê Nam
Không tăng đột biến
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ngày mùng 4 và 5 Tết (19 - 20/2) tại một số chợ như chợ Hôm, Thành Công, Kim Liên, Châu Long... cho thấy, hàng hóa khá phong phú, giá cả ổn định. Cụ thể, thịt lợn mông sấn 90.000 đồng/kg, sườn 80.000 - 110.000 đồng/kg, thịt lợn ba chỉ khoảng 100.000 đồng/kg, thịt bò từ 280.000 - 350.000 đồng/kg (tùy loại), tôm sú giá 450.000 - 530.000 đồng/kg, giá các loại giò lụa đang dao động ở mức 150.000 - 160.000 đồng/kg, gà ta nuôi thả giá từ 140.000 - 160.000 đồng/kg, cá chép loại to 130.000 đồng/kg…

Mặc dù vào thời điểm trước Tết Nguyên đán cả miền Bắc chìm trong giá rét khiến lượng rau xanh cung ứng cho thị trường giảm đáng kể, nhưng hiện giá bán rau xanh không tăng đột biến, thậm chí giá bán một số loại rau như bắp cải, củ cải, cải xanh, xà lách... còn giảm nhẹ so với những ngày cận Tết. Tại chợ truyền thống ở nội thành, rau cần có giá 10.000 đồng/mớ, rau cải 8.000 - 9.000 đồng/mớ, bắp cải 13.000 đồng/kg, su hào 2.500 đồng/củ, củ cải trắng 12.000 - 15.000 đồng/kg, cải ngọt 6.000 - 8.000 đồng/kg... Tại các huyện ngoại thành, giá bán còn thấp hơn, cụ thể: Cải bắp 6.000 đồng/kg (giảm 2.000 đồng/kg so với trong Tết); súp lơ 5.000 đồng/chiếc (giảm 3.000 đồng/chiếc so với trong Tết)...

Nguyên nhân khiến giá rau xanh sau Tết không tăng đột biến là do khoảng 10 ngày nay, thời tiết thuận lợi, nắng ấm, tạo thuận lợi cho các loại rau ăn lá sinh trưởng, phát triển và quan trọng hơn cả là việc các DN tham gia Chương trình Bình ổn giá đã tăng cường lượng rau cung ứng cho thị trường. Bà Trương Thị Thạch - Phó Giám đốc Công ty Siêu thị Hà Nội cho biết: Nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm, rau xanh phục vụ nhu cầu người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán, DN đã ký kết nhiều hợp đồng mua rau tại nhiều địa phương trên cả nước như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Đà Lạt (Lâm Đồng)… Trong hợp đồng nêu rõ DN phải đảm bảo lượng hàng cho siêu thị, giá bán không tăng bất hợp lý.

Hiệu quả của chương trình bình ổn giá

Theo Bộ Công Thương, trong dịp Tết Mậu Tuất vừa qua, tại các TP lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ..., sức mua tăng khoảng 30 - 35% so với ngày thường. Tuy nhiên, các DN đã tập trung một lượng hàng hóa lớn, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm Tết. Các chương trình giảm giá, khuyến mại, bình ổn thị trường... đã được các DN xúc tiến rộng rãi nên giá cả ổn định. Trong cơ cấu hàng hóa của các siêu thị chủ yếu là hàng Việt Nam chất lượng cao, có sự tiến bộ vượt trội về mẫu mã so với Tết Đinh Dậu 2017 và các năm trước, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Tại các chợ truyền thống, bên cạnh việc đảm bảo hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, Chương trình bình ổn giá đã góp phần đưa các thương hiệu trong nước đến với thị trường nông thôn.

Mặc dù không bố trí vốn đối ứng cho các DN tham gia Chương trình Bình ổn giá của TP Hà Nội như những năm trước, song các DN đã sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng và vốn của DN để tích trữ hàng hóa. Cụ thể, Công ty CP Nhất Nam (quản lý chuỗi siêu thị Fivimart) đã dự trữ lượng hàng hóa phục vụ Tết trị giá 182 tỷ đồng, tăng 30% so với dịp Tết năm trước. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) dự trữ 1.000 tỷ đồng tập trung vào 18 nhóm hàng hóa thiết yếu. Đồng thời, các DN tổ chức bán hàng bình ổn giá như gạo, đường, dầu ăn, trứng, thủy hải sản chế biến, thực phẩm tươi sống…

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng thay đổi dần tập quán mua sắm, tiêu dùng chuyển từ kênh mua sắm truyền thống sang kênh mua sắm hiện đại, mua sắm online. Nguồn cung hàng hóa dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, đủ đáp ứng nhu cầu nên giá các loại hàng hóa trên thị trường trước và sau Tết khá ổn định.
Giá nhiều mặt hàng thiết yếu ổn định, lượng hàng hóa cung ứng đủ, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng đã một lần nữa khẳng định hiệu quả của Chương trình Bình ổn giá của TP. Chương trình đã ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, qua đó góp phần giúp thị trường Hà Nội trước, trong và sau những ngày Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 không có biến động lớn.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng