Gia Lâm: Công dân hài lòng với "Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn"

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (13/9) - ngày đầu tiên huyện Gia Lâm đồng loạt triển khai mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn”, công dân đến giao dịch thủ tục hành chính (TTHC) không phải chờ đợi lâu, chỉ trong 2 giờ đã nhận kết quả, tạo sự phấn khởi và rất hài lòng.

Công dân rất hài lòng

Ông Nguyễn Mạnh Lợi, ở thôn 4, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội, sáng nay đến làm thủ tục đăng ký lại kinh doanh xe ô tô vận tải. Nếu như trước kia, giấy phép đăng ký kinh doanh công dân đến nộp hồ sơ và nhận giấy hẹn sau 3 ngày mới được nhận kết quả. Nhưng nay, cứ vào ngày thứ Ba hàng tuần, thủ tục này được rút gọn trong 2 giờ làm việc.

Khá nhiều công dân đến giao dịch TTHC trong "Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn” .
Khá nhiều công dân đến giao dịch TTHC trong "Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn” .

Ông Nguyễn Mạnh Lợi phấn khởi cầm kết quả trên tay, sau hơn một giờ giao dịch chia sẻ: “Trước kia chúng tôi phải đi lại ít nhất 2 lần nộp hồ sơ, nhận giấy hẹn và phải mất 3 ngày mới được lấy. Hôm nay, tôi đến đây là từ 8 giờ sáng, chỉ trong vòng mấy chục phút tôi đã được nhận kết quả. Tôi thấy việc huyện Gia Lâm cải cách TTHC rất hợp tình, hợp lý, thuận tiện cho người dân. Cố gắng duy trì hoạt động này để người dân đỡ phải đi lại và chờ đợi”.

Chị Bùi Thị Thêm, ở thị trấn Trâu Quỳ đã nhiều lần đến bộ phận Một cửa của huyện làm TTHC. Mọi lần, chị đều phải đi lại ít nhất 2 lần mới xong 1 thủ tục. Việc nhận kết quả chỉ trong vòng ít phút giao dịch trong “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn” là một bất ngờ với chị.

Chị Bùi Thị Thêm chia sẻ: “Hôm nay, tôi đến đây làm thủ tục chuyển trường cho cháu. Tôi đến từ lúc hơn 8 giờ, nhân viên ở đây rất nhiệt tình với công dân. Mọi lần khi chuyển trường thủ tục phải mất 1 ngày, sáng nộp hồ sơ, nhận giấy hẹn, chiều mới đến nhận kết quả. Nhưng hôm nay, tôi giao dịch trong “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn” chỉ mất khoảng 30 phút đã nhận được kết quả. Tôi rất hài lòng với việc giải quyết TTHC này của bộ phận Một cửa. Nếu cứ duy trì như thế này sẽ không ai phải chờ đợi và bớt rất nhiều thời gian cho công dân, tiết kiệm chi phí xăng xe".

Chị Bùi Thị Thêm nhận kết quả chỉ sau 30 phút giải quyết TTHC.
Chị Bùi Thị Thêm nhận kết quả chỉ sau 30 phút giải quyết TTHC.

Mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn” trong giải quyết TTHC của huyện Gia Lâm bắt đầu từ hôm nay (13/9) và duy trì vào thứ Ba hàng tuần. Mô hình này được triển khai trên cơ sở thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 10/8/2022 của UBND TP Hà Nội về tăng cường thực hiện nhiệm vụ trọng tâm triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng, dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Khi công dân đến làm TTHC sẽ được cán bộ tại bộ phận Một cửa của huyện và xã/thị trấn tiếp nhận và giải quyết ngay tại chỗ, chậm nhất là 2 giờ đồng hồ sẽ trả kết quả. Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, trong sáng ngày thứ Ba (13/9), hầu hết các công dân đến đây đều nhận kết quả trong khoảng trên dưới 1 giờ đồng hồ. Các công dân được nhận kết quả nhanh chóng đều rất vui mừng, phấn khởi và hài lòng với cách làm này.

Bố trí nhân lực hợp lý

Để triển khai được mô hình này, huyện Gia Lâm đã xây dựng Kế hoạch, nhằm thực hiện tốt cải cách TTHC đối với các dịch vụ công (DVC) thiết yếu và DVC trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia và Cổng DVC trực tuyến TP Hà Nội. Hiện nay, huyện Gia Lâm đã có 28 thủ tục được thực hiện theo mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn”, như đăng ký tạm trú, tạm vắng, chứng thực, đăng ký kinh doanh, khai sinh, khai tử, kết hôn…

Theo huyện Gia Lâm, các TTHC được thực hiện ở mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn” trước kia đều giải quyết từ 1 đến 5 ngày làm việc. Đến nay, huyện rút ngắn xuống còn ít nhất 2 giờ làm việc. Đây là bước tiến vượt bậc trong công tác giải quyết TTHC của huyện và các xã/thị trấn trên địa bàn.

Các công dân nghiên cứu TTHC giải quyết trong “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn”.
Các công dân nghiên cứu TTHC giải quyết trong “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn”.

Tuy nhiên, để giải quyết TTHC được thực hiện đúng trình tự và quy định đề ra, đòi hỏi người làm công tác giải quyết TTHC phải nâng cao trình độ, trách nhiệm và rõ người, rõ việc.

Chị Đoàn Thị Minh Hạnh, chuyên viên của phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Gia Lâm, chịu trách nhiệm tiếp nhận và trả hồ sơ tại bộ phận Một cửa trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh. Từ nhiều ngày nay, chị Hạnh đã nghiên cứu cách làm khoa học và chuẩn bị tinh thần cập nhật thông tin, văn bản mới để trao đổi đến công dân làm thủ tục nhanh nhất. Với chị, thủ tục đăng ký kinh doanh rút ngắn từ 3 ngày làm việc xuống 2 giờ, đây là một khó khăn, nhưng đó cũng thể hiện trách nhiệm của công chức với công dân.

Chị Đoàn Thị Minh Hạnh nói: “Từ chuyên viên đến lãnh đạo phòng đều bận rất nhiều việc. Tuy nhiên, thực hiện mô hình này chúng tôi đã sắp xếp thời gian và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong giải quyết TTHC. Mặc dù vừa tiếp nhận hồ sơ và vừa giải quyết TTHC, nhưng với tinh thần “vì công dân phục vụ” chúng tôi hết lòng, vì công dân là trên hết”.

Công dân quét mã QR xem TTHC và có thể đăng ký trên điện thoại.
Công dân quét mã QR xem TTHC và có thể đăng ký trên điện thoại.

Nói về việc sắp xếp bộ máy cán bộ, lãnh đạo từ bộ phận Một cửa đến các phòng ban chuyên môn, hợp lý và không vi phạm quy định của mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn”, Trưởng phòng Nội vụ huyện Gia Lâm - Trần Trung Tuyết cho biết: “Một trong những trăn trở của huyện Gia Lâm là làm sao rút ngắn được thời gian giải quyết TTHC đối với công dân. Nội dung chính của mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn” là tiếp nhận hồ sơ của công dân và giải quyết trong vòng 2 tiếng.

UBND huyện đã xây dựng kế hoạch nên rõ thời gian nhận và trả kết quả sao cho công dân không phải đi lại nhiều, lấy sự hài lòng của công dân là thước đo trách nhiệm của cán bộ, công chức (CBCC) nói chung và mức độ giải quyết TTHC nói riêng. Cán bộ huyện, phòng chuyên môn và xã khi giải quyết TTHC trong ngày thứ Ba phải ký vào kết quả trả cho công dân đều không bố trí đi họp, không đi công tác”.

 

Các TTHC theo DVC trực tuyến thiết yếu là: Xác nhận số CMND khi đã được cấp thẻ CCCD; cấp lại, đổi thẻ CCCD; đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, thông báo lưu trú; đăng ký cấp biển số mô tô, xe gắn máy; thu tiền nộp phạt trong lĩnh vực giao thông; đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn; cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; thủ tục làm con dấu và cấp mẫu dấu mới; con dấu nhỏ, dấu nổi, cấp giấy chứng nhận đăng ký con dấu; liên thông đăng ký khai sinh, thường trú, thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí; tích hợp, tính giảm trờ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; đăng ký thuế lần đầu, thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế cá nhân, hộ gia đình; đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận; cấp đỏi lại giấy phép lái xe; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp 220/380V; thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện.

Như vậy, mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn” không chỉ làm cho công dân hài lòng mà giúp cho CBCC đều thấy rõ trách nhiệm, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thông qua đó cũng đề cao văn hóa ứng xử của CBCC trong thực hiện hiệu quả cơ chế “Một cửa, Một cửa liên thông” theo hướng văn minh, hiện đại.

Cùng với đó, huyện Gia Lâm còn triển khai mô hình quét mã QR để thực hiện 25 DVC thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ. Trên cơ sở đó, công dân chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR ở DVC mình cần thực hiện, sau đó vào Cổng dịch vụ công Quốc gia thực hiện các bước giải quyết TTHC theo hướng dẫn. Đồng thời, thí điểm mô hình Thôn thông minh ở 3 xã và dự kiến nhân rộng vào cuối năm 2022.

Các TTHC theo DVC trực tuyến thiết yếu là: Xác nhận số CMND khi đã được cấp thẻ CCCD; cấp lại, đổi thẻ CCCD; đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, thông báo lưu trú; đăng ký cấp biển số mô tô, xe gắn máy; thu tiền nộp phạt trong lĩnh vực giao thông; đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn; cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; thủ tục làm con dấu và cấp mẫu dấu mới; con dấu nhỏ, dấu nổi, cấp giấy chứng nhận đăng ký con dấu; liên thông đăng ký khai sinh, thường trú, thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí; tích hợp, tính giảm trờ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; đăng ký thuế lần đầu, thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế cá nhân, hộ gia đình; đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận; cấp đỏi lại giấy phép lái xe; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp 220/380V; thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện.