Gia Lâm đạt kết quả tích cực trong sắp xếp tổ chức bộ máy

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng nay (7/5), đoàn giám sát do Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Huyện ủy Gia Lâm về kết quả thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017” gắn với thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế (TGBC), cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và các chỉ đạo của Chính phủ, TP về công tác cải cách hành chính (CCHC).

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Thuần, công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính được huyện thực hiện theo hướng tinh gọn, khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu quả, góp phần đổi mới phương thức và nâng cao hiệu lực hoạt động bộ máy chính quyền các cấp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện đã ban hành 12 quyết định quy định về chức năng nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn và quyết định quy định tổ chức bộ máy, hoạt động các đơn vị sự nghiệp (ĐVSN); giao các cơ quan, đơn vị rà soát các ban chỉ đạo (BCĐ) do đơn vị làm thường trực, thực hiện ghép các BCĐ theo hướng tinh gọn hiệu quả, giảm từ 40 còn 25 BCĐ…
Đặc biệt, tháng 8/2017, UBND huyện đã thí điểm sắp xếp cơ cấu lại đội ngũ hoạt động không chuyên trách cấp xã nhằm cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động và thu nhập cho đội ngũ này, qua đó rút từ 15 chức danh với xã và 13 chức danh với thị trấn còn 7 chức danh.
Cùng với đó, UBND huyện luôn chỉ đạo sắp xếp, bố trí đội ngũ CBCCVC đảm nhận nhiệm vụ phù hợp trình độ chuyên môn, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, qua đó xác định số CBCCVC dôi dư không phù hợp vị trí việc làm để cho thôi việc, TGBC với những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực kém.
Bên cạnh đó, hàng năm UBND huyện đều kiểm tra công vụ tại các đơn vị nhằm giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CCHC, quản lý, điều hành và thực hiện chức trách nhiệm vụ của CBCCVC, nâng cao kỷ cương hành chính. Riêng từ năm 2016 đến 31/8/2018, huyện đã tiến hành 147 cuộc kiểm tra các phòng, ban, ĐVSN, UBND xã trực thuộc và các trường học theo hình thức đột xuất hoặc theo đơn thư.
Tuy nhiên, từ thực tế khó khăn qua quá trình triển khai, lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm đề nghị giữ nguyên biên chế được giao trong khối hành chính để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ hiện nay và phấn đấu trở thành quận vào năm 2020; đồng thời được giao bổ sung biên chế nhân viên CNTT cho các trường học nhằm đáp ứng nhu cầu xây trường học điện tử, hiện đại hóa giáo dục.
Huyện cũng đề nghị TP hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Nghị định 61 ngày 23/4/2018 về thực hiện một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và sắp xếp tổ chức lại các ĐVSN công lập theo Quyết định 1459 ngày 26/3/2018 của UBND TP; hướng dẫn cụ thể công tác sắp xếp tổ chức bộ máy ĐVSN nhất là khối trường học.
 Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà - Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại Huyện ủy Gia Lâm

Lắng nghe các ý kiến, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đánh giá cấp ủy, chính quyền huyện Gia Lâm đã rất tích cực tổ chức thực hiện, xác định CCHC là khâu trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ này, được người dân đồng hành. Huyện đã tuyên truyền sâu rộng trong toàn cán bộ, đảng viên; tăng kiểm tra giám sát từng đầu việc và kiểm tra chéo; ứng dụng CNTT phát triển mạng nội bộ vào chỉ đạo điều hành rất tốt. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy đã kịp thời kiện toàn biên chế các phòng, ban chuyên môn đáp ứng yêu cầu, quản lý quỹ biên chế được giao đúng nghị quyết HĐND mà vẫn đảm bảo hoàn thành khối lượng công việc thường xuyên...

Việc tinh giản đầu mối theo Nghị quyết 39, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã qua thí điểm thể hiện kết quả đáng biểu dương. Từ thực hiện công tác này tại Gia Lâm xứng đáng để chia sẻ kinh nghiệm, tham mưu cho TP trong tổ chức sắp xếp bộ máy.

Tuy nhiên, Trưởng đoàn giám sát lưu ý với khó khăn của huyện trong TGBC những người năng lực chuyên môn kém, huyện cần đặt quyết tâm cao hơn để tới đây có một đội ngũ CBCCVC nhất là lãnh đạo có chuyên môn tốt. Đồng thời, cần linh hoạt trong TGBC, không máy móc đơn vị nào cũng giảm đúng 10% mà có thể tùy tình hình thực tế. Trưởng đoàn cũng đề nghị huyện tăng cường quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của T.Ư và TP trong sắp xếp tổ chức bộ máy, TGBC và đặc biệt siết chặt kỷ cương hành chính; tổ chức tốt bộ máy từ huyện đến xã để cùng TP tới đây thí điểm theo mô hình chính quyền đô thị; đồng thời cần hoàn thiện hạ tầng đô thị để chuẩn bị lên quận vào năm 2020.

Đặc biệt, huyện cần rà soát lộ trình thực hiện TGBC những năm tiếp theo, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy trường hợp CBCC không đáp ứng yêu cầu công việc; rà soát quy mô trường lớp để sắp xếp trên cơ sở biên chế được giao cho hài hòa, nhằm định hướng lộ trình thực hiện tự chủ cho các trường, với phương châm càng sớm càng tốt. Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra công vụ các cơ quan đơn vị, trong đó tăng kiểm tra đột xuất và công khai đơn vị có sai sót, để xảy ra khiếu kiện; thực hiện tốt CCHC từ cấp huyện đến xã để duy trì vị trí đứng đầu khối huyện và có bước tiến về chỉ số CCHC tại TP.

Với các kiến nghị của huyện, Trưởng đoàn đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp giải quyết, hướng dẫn cụ thể cho địa phương.