Thông tin trên được đại diện Cục phát triển nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành xây dựng.
Theo đó, trước tình hình khó khăn của thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã tích cực tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, hạn chế, bất cập, cụ thể: Thực hiện nhiệm vụ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1435/2022/QĐ-TTg, đã làm việc với 8 địa phương (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định) về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án BĐS trên địa bàn.
Tính đến nay, Tổ công tác đã nhận được 138 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 191 dự án BĐS. Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã xem xét, xử lý 126 văn bản, gửi Bộ KH&ĐT và Bộ TN&MT đề nghị xem xét, xử lý theo thẩm quyền 12 văn bản và ban hành 37 văn bản hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án... cho các địa phương.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai ngay việc hướng dẫn đối tượng, điều kiện của khách hàng và chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Về tổng thể thị trường, trong nửa đầu năm 2023, thị trường BĐS tiếp tục trạng thái giao dịch trầm lắng; Trong 6 tháng cuối năm 2023 thị trường BĐS đã có những tín hiệu tích cực hơn so với nửa đầu năm 2023, trong đó lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư... có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ những dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều.
Cụ thể, về tổng lượng giao dịch tính đến hết quý III/2023, có khoảng 324.378 giao dịch thành công, đạt 41,29% so với năm 2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền, chỉ bằng 35,79%. Lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ giảm, chỉ bằng 63,07% so với năm 2022.
Về tồn kho BĐS, theo số liệu báo cáo của 53/63 địa phương, lượng tồn kho BĐS trong vào khoảng 18.808 căn, trong đó tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc nhà ở riêng lẻ và đất nền dự án; Về tín dụng BĐS theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đạt 986.477 tỷ đồng; Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đến hết tháng 8/2023, tổng giá trị phát hành là 132.358 tỷ đồng, trong đó nhóm BĐS với 46.765 tỷ đồng (chiếm 35,3%). Hiện thị trường có 455 mã trái phiếu niêm yết, DN BĐS chiếm 46% giá trị phát hành là 56.9 nghìn tỷ đồng; Đối với nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS trong 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, đứng thứ 2 trong các nhóm ngành.
Trong năm, phân khúc BĐS công nghiệp vẫn được xem là điểm sáng, thị trường được bổ sung nguồn cung mới từ một số dự án được khởi công, ra mắt mới. Với việc lượng vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong 9 tháng năm 2023 tiếp tục dẫn đầu về tổng vốn đầu tư với hơn 14 tỷ USD, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư bất động sản công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam trong thời gian vừa qua khiến nhu cầu về BĐS khu công nghiệp có sự tăng trưởng tích cực. Tỷ lệ lấp đầy duy trì ở mức trên 90% đối với cả loại hình đất công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn.
“Tuy nhiên, về giá giao dịch theo tổng hợp báo cáo và thông tin khảo sát đánh giá của các địa phương, tổ chức nghiên cứu thị trường, giá căn hộ liên tục tăng cao do nguồn cung căn hộ trong những năm gần đây khan hiếm. Nhưng giá nhà ở thấp tầng và một số loại phân khúc BĐS sản khác giảm mạnh từ 10 - 20% tùy thuộc vào vị trí của từng khu vực” – đại diện Cục quản lý nhà và thị trường BĐS cho hay.