Gia tăng tình trạng nhập lậu động vật, cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm và các sản phẩm động vật có chiều gia tăng. Diễn biến phức tạp của tình trạng trên đòi hỏi các bộ ngành, địa phương phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt vào cuộc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Hệ luỵ khôn lường

Theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y một số địa phương, tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật có chiều hướng gia tăng rất mạnh. Nếu như năm 2021, lực lượng chức năng chỉ phát hiện 63 vụ nhập lậu, thì từ đầu năm 2023 đến nay, đã phát hiện 131 vụ.

Số lượng động vật bị bắt giữ năm 2021 là 103.300 con, đến năm 2023, chỉ tính riêng 9 tháng đã qua, con số này là 159.979 con. Cũng từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan chức năng còn thu giữ 43.912 trứng gia cầm và 116.183 kg sản phẩm động vật nhập lậu.

Kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm tại tỉnh Quảng Trị.
Kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm tại tỉnh Quảng Trị.

Số liệu trên cho thấy, tình hình buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật từ đầu năm 2023 diễn biến rất phức tạp. Điển hình là tại Lạng Sơn, đã phát hiện 31 vụ với 101.800 con gia cầm giống, 4.000 gia cầm thịt, 8. 532 kg/sản phẩm động vật; hay tại Quảng Ninh, đã phát hiện 41 vụ với 14.795 gia cầm giống, 27.900 quả trứng giống, 16.695 kg/sản phẩm động vật... 

 

5 tỉnh trọng điểm về buôn bán, vận chuyển, nhập khẩu gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật gồm: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, An Giang và Long An.

Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phan Quang Minh  nhận định, tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhiễm vào Việt Nam.

“Động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, môi trường…” - ông Phan Quang Minh nhận định.

Tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm hiện nay còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi bền vững. Ở đó, các doanh nghiệp và người chăn nuôi là đối tượng chịu tác động lớn nhất. Ngoài ra, tình trạng nhập lậu còn ảnh hưởng đến truy xuất nguồn gốc, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Nêu cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở

Theo Bộ NN&PTNT, thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm; do vậy, nhu cầu về con giống tăng cao.

Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến.

Trước tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã rất quan tâm, thường xuyên nắm bắt để có chỉ đạo kịp thời. Từ đầu năm 2023 đến nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký 2 Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 và 694/CĐ-TTg ngày 1/8/2023, chỉ đạo rất cụ thể về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Lực lượng chức năng thu giữ gia cầm nhập lậu.
Lực lượng chức năng thu giữ gia cầm nhập lậu.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam.

Cùng với Bộ NN&PTNT và các bộ ngành, các địa phương cũng đã chủ động vào cuộc. Đơn cử như đại diện tỉnh Quảng Ninh thông tin, trong 9 tháng đã qua của năm 2023, chính quyền địa phương đã chỉ đạo bắt giữ, xử lý 41 vụ/25 đối tượng (18 vụ không xác định được chủ sở hữu), tổng giá trị hàng hóa thu giữ là 807,6 triệu đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, việc ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, “không thể cứ báo chí vào cuộc, làm cao trào rồi sau lại bỏ bẵng”.

Muốn thực hiện nhiệm vụ này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, TP trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm vi phạm.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, TP cần giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch điều tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý và tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu trái phép trên địa bàn. Phối hợp với Cơ quan quản lý thú y địa phương truy xuất nguồn gốc động vật để thực hiện kiểm dịch vận chuyển

“Các địa phương cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo các lực lượng chức năng ngăn chặn nhập lậu con giống gia súc, gia cầm. Kinh nghiệm cho thấy, ở địa phương nào và thời điểm nào lãnh đạo tỉnh quyết liệt chỉ đạo thì ở đó tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm sẽ lắng xuống…”- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến bày tỏ quan điểm. 

 

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. VIPA cũng cho biết, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.