Giá tiêu hôm nay 20/10: Tăng giá ở Gia Lai, Đồng Nai, thị trường thế giới biến động nhẹ

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 20/10/2020 ở Tây Nguyên và miền Nam trong khoảng 49.000 - 51.500 đồng/kg. Giá tiêu tại thị trường Ấn Độ tăng nhẹ.

Giá tiêu hôm nay 20/10: Tăng giá ở Gia Lai, Đồng Nai, thị trường thế giới biến động nhẹ
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay hiện được thu mua với mức 49.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 49.000 đồng/kg, tăng thêm 500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 49.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay được thu mua 51.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 50.500 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch sáng nay (giờ Việt Nam), giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ chốt ở mức 34.200 rupee/tạ, giữ nguyên, giá giao tháng 10/2020 tăng 115 rupee/tạ (0,33%) lên mức 34.450 rupee/tạ.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Nga, nhập khẩu hạt tiêu nước này trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 6,2 nghìn tấn, trị giá 14,72 triệu USD, tăng 14,1% về lượng và tăng 6,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

7 tháng đầu năm 2020, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Nga đạt mức 2.371 USD/tấn, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Nga giảm ở hầu hết các nguồn cung chính, nhưng tăng từ Brazil, Ba Lan và Đức.

7 tháng đầu năm 2020, Nga tăng nhập khẩu hạt tiêu từ thị trường Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, nhưng giảm nhập khẩu từ Sri Lanka, Brazil, Trung Quốc.

Nhập khẩu hạt tiêu của Nga từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 4,66 nghìn tấn, trị giá 11,47 triệu USD, tăng 28,4% về lượng và tăng 24,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nga tăng từ 67,7% trong 7 tháng đầu năm 2019, lên 75,6% trong 7 tháng đầu năm 2020.

Cũng tại châu Âu, xuất khẩu tiêu của Pháp sang Ba Lan giảm trong thời gian qua là do Ba Lan nhập khẩu hồ tiêu trực tiếp từ các nước sản xuất như Việt Nam (tăng 72% tương đương 456 tấn so với thời điểm tháng 5 năm 2019). Tương tự với Ba Lan, xuất khẩu hồ tiêu của Pháp sang Anh giảm là do nước Anh nhập khẩu hồ tiêu trực tiếp từ Việt Nam (tăng 24% tương đương 580 tấn so với cùng kỳ tính đến tháng 6 năm 2019).

Như vậy có thể thấy, hồ tiêu Việt Nam đang được "phủ sóng" rộng hơn tại các nước châu Âu. Một trong những nguyên nhân chính là do ảnh hưởng tích cực của Hiệp định EVFTA lên hàng hóa của Việt Nam nói chung, hạt hiêu nói riêng.

Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chỉ rõ, điểm mạnh của hồ tiêu Việt Nam là đã được Chính phủ hoạch định là một trong 10 ngành nông sản có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam. Liên tục giữ vị trí số 1 thế giới, chiếm đến 70% thị phần xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu, song hồ tiêu đang phải đối diện với hàng loạt những khó khăn do giá suy giảm, quy hoạch vượt diện tích. Hồ tiêu Việt chỉ tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) nếu nâng cao được sức cạnh tranh nội tại của mình.