Giá trị lý luận và thực tiễn của Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Mai Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), sáng 8/6, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay”.

Tới dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Cùng dự còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu khai mạc Hội thảo

Ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Từ đây, phong trào thi đua ái quốc liên tục phát triển, mở rộng, trở thành phong trào hành động thiết thực gắn liền với các nhiệm vụ chính trị qua các giai đoạn lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết ngắn gọn, chỉ khoảng hơn 400 từ, song, đó là sự kết tinh và thể hiện tập trung những nội dung cơ bản tư tưởng của Người về thi đua ái quốc. Lời kêu gọi thi đua ái quốc thực sự là văn kiện chứa đựng những chỉ dẫn hết sức quý báu, có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước; đặc biệt là thể hiện sự rõ nét tính hệ thống và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, về xây dựng đời sống mới, xã hội mới, con người mới.

“Lời kêu gọi thi đua ái quốc cũng để lại cho chúng ta những bài học, những kinh nghiệm hết sức bổ ích trong công tác vận động quần chúng nhân dân và là một mẫu mực về thực hành tuyên tuyền sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, để các tầng lớp nhân dân trong cả nước hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”, Phó Chủ tịch nước nêu rõ.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức sâu rộng, từng bước đổi mới nội dung, hình thức, bám sát thực tiễn, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, địa phương, đơn vị. Nhiều phong trào thi đua trong toàn quốc được phát động, mang lại hiệu quả thiết thực như: Phong trào “Cả nước xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”...
Qua các phong trào thi đua đã có nhiều sáng kiến, mô hình cải tiến kỹ thuật, các giải pháp, biện pháp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác được đề ra, góp phần phát huy mọi tiềm lực trong xã hội để xây dựng đất nước. Qua các phong trào thi đua, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu được tôn vinh, khen thưởng kịp thời, trở thành những tấm gương điển hình trong các phong trào thi đua, mang lại hiệu ứng lan tỏa rộng lớn toàn xã hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Hội thảo được tổ chức, nhằm khẳng định ý nghĩa lịch sử bất hủ và những giá trị lịch sử to lớn của Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đồng thời khẳng định giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay.

Với hơn 90 tham luận và các ý kiến phát biểu tại hội thảo của các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn, các nhà khoa học và các đại biểu đến từ nhiều cơ quan Trung ương, tỉnh, TP và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đi sâu, làm sáng tỏ 4 nội dung chủ yếu. Thứ nhất, Lời kêu gọi thi đua ái quốc là sự kết tinh và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Thứ hai, Lời kêu gọi thi đua ái quốc là sự khởi đầu một phong trào hành động thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến kiến quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thứ ba, Lời kêu gọi thi đua ái quốc là cơ ở nền tảng cho việc xây dựng con người mới trong phong trào thi đua yêu nước.

Thứ tư, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc là những chỉ dẫn quý giá đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay.

70 năm đã trôi qua nhưng âm hưởng của Lời kêu gọi thi đua ái quốc vẫn còn lay động với tính thời sự sâu sắc, vẹn nguyên những giá trị đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay. Chúng ta có sứ mệnh lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc bằng những hành động thiết thực với việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; học tập và triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về tổ chức bộ máy và về công tác cán bộ được ban hành trong thời gian gần đây, góp phần tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.