Thế giới chịu áp lực từ đồng USD
Chốt phiên cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở quanh ngưỡng trên 2.338 USD/ounce. So với chốt phiên tuần trước đó, giá vàng thế giới đã giảm mạnh mất 54 USD/ounce.
Tuần qua, giá vàng thế giới giảm mạnh là do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và Nga – Ukraine tạm im ắng. Giới đầu tư đã chốt lời mạnh khi giá vàng đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào tuần trước.
Tuy nhiên, giữa tuần nền kinh tế Mỹ đã công bố tăng trưởng tổng sản phầm quốc nội (GDP) quý 1 lần thứ nhất sụt giảm mạnh so với kỳ vọng và mức đạt được trước đó, đã khiến giới đầu tư quay lại mua vàng vì lo ngại rủi ro tăng cao khi kinh tế kém đi.
Cụ thể, GDP quý 1/2024 của Mỹ chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,4% quý 4/2023 và thấp hơn 2,5% dự báo trước đó. Tăng trưởng sụt giảm đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ và đồng USD giảm điểm mạnh, do giới đầu tư chốt lời cổ phiếu và chuyển hướng sang đầu cơ tài sản đảm bảo vốn là vàng.
Tại thị trường Trung Quốc, ngày 27/4 chứng kiếm người dân ồ ạt đi mua vàng sau khi chứng khoán giảm điểm. Riêng quý 1/2024, lượng vàng tiêu thụ tại Trung Quốc đã tăng 6% so vời cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, chỉ sau khi công bố GDP 1 ngày, Mỹ đã công bố thêm các dữ liệu việc làm, chi tiêu tiêu dùng cá nhân, chỉ số giá PCE vẫn khá tích cực, khiến đồng USD tăng mạnh và nhịp độ mua vàng đã chậm lại. Cụ thể, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua của Mỹ là 207.000 đơn, giảm so với 212.000 đơn đạt được tuần trước đó và 214.000 đơn dự báo.
Chỉ số PCE lõi đã tăng 0,3% so với tháng trước. Chỉ số PCE tính theo năm đã tăng 2,8% với cùng kỳ năm trước. Chỉ số PCE toàn phần tăng 0,3% so với tháng 2 và tính theo năm tăng 2,7% so với năm trước.
Chi tiêu tiêu dùng cá nhân được điều chỉnh theo lạm phát tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lớn nhất trong năm nay. Tổng thu nhập tăng 0,5% và thu nhập tiền lương tăng 0,7%, đây là tháng thứ 2 tăng liên tiếp. Chỉ số giá PCE lõi là thước đo lạm phát chính của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Khi PCE tăng, dự báo Fed có thể còn giữ lãi suất điều hành đồng USD cao hơn dự kiến. Trước đó, dự báo Fed sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên sau một thời gian dài giữ ở mức cao hơn 20 năm qua vào tháng 6 tới đây.
Do đó đồng USD đã tăng mạnh vào phiên cuối tuần, việc làm cho người lao động tích cực đã khiến giới đầu tư hạn chế mua vàng so với phiên trước đó. Do đó, giá vàng thế giới cũng vì thế tăng chậm lại.
Dự báo của chuyên gia, khi dự báo lãi suất còn ở mức cao, thu nhập cá nhân và chi tiêu tiêu dùng cá nhân còn mạnh, thì nền kinh tế Mỹ khó rơi vào suy thoái. Điều này sẽ giúp thị trường chứng khoán lấy lại nhịp độ tăng vào thời gian tới đây và ngược lại giá vàng sẽ chịu áp lực.
Vàng SJC tăng mạnh, nhẫn sụt giảm
Thị trường vàng trong nước đứng phiên ngày 27/4, giá vàng SJC neo ở mức cao nhất tuần. Cụ thể, giá vàng miếng SJC trên thị trường đứng quanh mức 83 – 85,2 triệu đồng/lượng (mua – bán), đi ngang chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2,2 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mua - bán quanh mức 82,6 – 84,8 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 83,25 – 85,1 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua và giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,85 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn trong phiên 27/4, đảo chiều giảm so với phiên trước đó. Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 74,58 – 76,18 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua - bán là 1,8 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 74,8 – 76,5 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 200.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán thu hẹp ở mức 1,7 triệu đồng/lượng.
Tuần qua, sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu thành công 1 phiên đấu giá vàng miếng SJC, với 3.400 lượng vàng được bán ra, với giá cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.
Tại thời điểm đó, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mua - bán quanh mức 80 – 82,5 triệu đồng/lượng. Khi đó, giá vàng SJC còn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 12,3 triệu đồng/lượng chưa kể thuế, phí.
Sau khi số lượng vàng miếng đấu giá thành công đã được các doanh nghiệp đưa vào lưu thông trên thị trường. Khi giá đấu cao hơn giá thực tế tại thời điểm đó nên các doanh nghiệp đã đẩy giá bán ra sau đấu giá lên cao. Kết tuần giá vàng SJC trên thị trường tăng 1,2 triệu đồng/lượng so với chốt phiên cuối tuần trước.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji tăng 1,15 triệu đồng/lượng và tại Bảo Tín Minh Châu tăng 1,2 triệu đồng/lượng so với chốt phiên cuối tuần trước. Tính đến thời điểm chốt phiên cuối tuần này, giá vàng SJC trong nước đang cao hơn vàng thế giới 14,9 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, tuần qua giá vàng nhẫn lại giảm mạnh, tại Bảo Tín Minh Châu nhẫn tròn trơn giảm 880.000 đồng/lượng; tại Tập đoàn Doji nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng giảm 850.000 đồng/lượng so với chốt phiên cuối tuần trước.Như vậy, sau khi phiên đấu gái vàng miếng thành công thì giá vàng miếng đã đi theo lối riêng, còn vàng nhẫn vẫn đi theo xu hướng thế giới.
Chuyên gia nhận định, giá vàng trong nước sẽ khó đoán định, bởi việc đấu giá vàng miếng vẫn được Ngân hàng Nhà nước triển khai. Nếu mức khởi điểm cao như hiện nay sẽ còn đẩy mức giá bán ra tăng.