Giá vàng tăng, chứng khoán giảm khi triển vọng cắt giảm lãi suất hạ nhiệt

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng đạt đỉnh mới vào thứ Hai khi thị trường chứng khoán Phố Wall đóng cửa trái chiều do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất hạ nhiệt.

Các nhà giao dịch đang làm việc trên sàn giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ở Thành phố New York, Mỹ. Ảnh: REUTERS/Brendan McDermid
Các nhà giao dịch đang làm việc trên sàn giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ở Thành phố New York, Mỹ. Ảnh: REUTERS/Brendan McDermid

Trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn tích cực, chứng khoán Trung Quốc đang dẫn đầu đợt tăng giá tại hầu hết các thị trường châu Á. Trong khi đó, tỷ giá đồng đô la quay đầu tăng sau khi dữ liệu ghi nhận lĩnh vực sản xuất của Mỹ tăng trưởng trong tháng 3, đánh dấu mức tăng đầu tiên kể từ tháng 9/2022.

Những thông tin lạc quan về lạm phát của Mỹ hồi tuần trước nhanh chóng hạ nhiệt, khi thị trường lo ngại tính ổn định của nền kinh tế Mỹ trước kỳ vọng cắt giảm lãi suất ngay lập tức.

Kevin Flanagan, Giám đốc chiến lược thu nhập cố định tại WisdomTree ở New York cho biết, ứng dụng ba thước đo lạm phát của Chính phủ Mỹ CPI, PPI và PCE, cho thấy sự cải thiện đã chững lại, dẫn đến những câu hỏi về thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất của Fed.

"Thị trường đang điều chỉnh sau kỳ vọng cắt giảm lãi suất hạ nhiệt", ông Flanagan nói.

Trong khi đó, giá dầu duy trì gần mức cao nhất 5 tháng qua do thị trường kỳ vọng nguồn cung sẽ thắt chặt hơn sau đợt cắt giảm nguồn cung của OPEC + và các cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu của Nga của Ukraine, kết hợp với dữ liệu sản xuất của Trung Quốc hỗ trợ triển vọng nhu cầu mạnh hơn.

Chỉ số đồng đô la, thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chính khác, tăng 0,47%.

Chỉ số MSCI toàn cầu về cổ phiếu giảm 0,36%.

Trên Phố Wall, Chỉ số Công nghiệp Dow Jones giảm 0,6% và S&P 500 giảm 0,20%, nhưng Nasdaq Composite tăng 0,11%.

Thị trường châu Âu đóng cửa vào thứ Hai và hầu hết các thị trường trên toàn cầu đóng cửa vào thứ Sáu.

Thống đốc Fed Jerome Powell cho biết vào thứ Sáu, thời điểm dữ liệu lạm phát được công bố, "là Fed sẽ không phản ứng thái quá", cho thấy ngân hàng Trung ương Mỹ hài lòng với việc duy trì ở chế độ chờ đợi và quan sát.

Tim Ghriskey, chiến lược gia danh mục đầu tư cấp cao tại Ingalls & Snyder ở New York, cho biết Fed không muốn lặp lại tình huống những năm 1970 khi cơ quan này cắt giảm lãi suất quá sớm và lạm phát bùng phát trở lại.

Báo cáo về dữ liệu chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) hôm thứ Sáu đã thúc đẩy kỳ vọng về chính sách tiền tệ nới lỏng hơn của Mỹ, đưa giá vàng lên mức cao kỷ lục mới.

Giá vàng giảm bớt đà tăng khi đồng đô la và lợi suất trái phiếu tăng, ghi nhận xu hướng đi ngược lại với lãi suất vì khi lãi suất tăng, vàng trở nên kém hấp dẫn hơn.

Giá vàng giao ngay đạt đỉnh cao mới là 2.265,49 USD/ounce trong phiên giao dịch. Giá vàng tương lai của Mỹ được chốt lãi cao hơn 0,9% ở mức 2.236,50 USD/ounce.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên khi dữ liệu sản xuất tăng mạnh hơn dự kiến, ​​dấy lên nghi ngờ về việc liệu Fed có thể tiến hành ba lần cắt giảm lãi suất được nêu trong dự báo tại cuộc họp chính sách gần đây nhất hay không.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm, phản ánh kỳ vọng lãi suất, tăng 9,2 điểm cơ sở lên 4,712%. Lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng 12,3 điểm cơ sở lên 4,317, sau khi chạm mức cao nhất trong hai tuần là 4,337%.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản trước đó đã giảm mạnh với đồng Yên neo ở mức, giao dịch quanh mức 152 Yên/USD.

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 1,4% khi đóng cửa, một phần là do lo ngại về khả năng chính phủ can thiệp mua Yên sẽ làm tổn hại đến triển vọng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư nước ngoài.

Giá dầu Brent tăng 42 cent, đóng cửa ở mức 87,42 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ tăng 54 cent, đóng cửa ở mức 83,71 USD/thùng.