Giá vàng tăng kỷ lục tại Trung Quốc

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc các hộ gia đình và nhà đầu tư Trung Quốc tích cực mua vàng đã đẩy giá của loại tài sản này lên mức kỷ lục.

Việc các nhà đầu tư và hộ gia đình Trung Quốc đang đổ xô vào vàng như một nơi trú ẩn an toàn khỏi những bất ổn từ thị trường bất động sản và chứng khoán đã đẩy giá của loại tài sản này lên mức kỷ lục.

Báo cáo hàng quý của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết Trung Quốc đang là điểm sáng nổi bật trên toàn cầu về các dòng đầu tư vào trang sức vàng trong năm 2023, trái ngược hoàn toàn với một thị trường bất động sản, tiền tệ, chứng khoán bị đình trệ sau khi các lệnh phong tỏa Covid-19 được gỡ bỏ.

Vàng đang là tài sản trú ẩn an toàn cho các hộ gia đình. Ảnh: The Financial Times
Vàng đang là tài sản trú ẩn an toàn cho các hộ gia đình. Ảnh: The Financial Times

Bên cạnh nhu cầu gia tăng từ các ngân hàng trung ương, việc người dân Trung Quốc tích cực tích trữ vàng đã đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục vào tháng trước và vẫn tiếp tục giữ ở mức trên 2.000 USD/ounce trong năm nay.

Nhu cầu đầu tư của Trung Quốc đối với vàng, gồm vàng miếng và tiền xu – tăng 28% lên 280 tấn, bù đắp đáng kể cho sự sụt giảm mạnh tại châu Âu. Bên cạnh đó, tiêu thụ đồ trang sức của nước này đã tăng 10% lên 630 tấn vào năm ngoái, ngay cả khi nhu cầu toàn cầu không thay đổi.

Louise Street, nhà phân tích thị trường cấp cao tại WGC, cho biết: “Trung Quốc đang là mấu chốt cho nhiều biến động kinh tế lớn trên toàn cầu trong năm ngoái. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực tiêu dùng, mặc dù không phải là yếu tố ấn định giá chính, đất nước này cũng có những đóng góp nhất định vào mức giá sàn”.

Ngược lại với những tín hiệu tích cực đến từ vàng, chỉ số chứng khoán CSI 300 của Trung Quốc đã giảm hơn 1/5 trong năm qua, còn doanh số bán nhà mới của những nhà phát triển bất động sản hàng đầu trong tháng 12 đã giảm 35% so với một năm trước đó.

Theo Colin Hamilton, nhà phân tích tại BMO, các nhà đầu tư Trung Quốc đang cảm thấy lo lắng khi không biết sử dụng nguồn tiền khổng lồ tiết kiệm được từ đại dịch Covid-19 vào đâu. Do vậy, vàng đang dần được ưu tiên trong danh mục đầu tư của nền kinh tế số hai thế giới khi tình trạng giảm phát và thu nhập không ổn định vẫn có thể tiếp diễn.

Các nhà phân tích tại UBS cho biết việc nhu cầu vàng của Trung Quốc bị đánh giá thấp lại là yếu tố thúc đẩy giá của loại tài sản này.

Theo báo cáo của WGC, nhìn chung, nhu cầu vàng giảm 5% xuống còn 4.448 tấn vào năm ngoái, cho thấy xu hướng giảm nhiệt so với mức tăng mạnh vào năm 2022. Tuy nhiên, sau khi kết hợp với các dòng chảy chứng khoán từ những thị trường phi tập trung, chủ yếu từ những nguồn mua không rõ ràng của những người giàu có, các quỹ tài sản công và các nhà đầu cơ thị trường tương lai, cũng như những thay đổi trong hàng tồn kho của các sàn giao dịch, nhu cầu vàng hàng năm đã đạt mức cao kỷ lục 4.899 tấn.

Việc mức cầu kỷ lục và giá vàng tăng cao bất chấp lãi suất tăng vào năm ngoái đã làm tăng sức hấp dẫn của trái phiếu so với tài sản không sinh lời. Điều này đã khiến nhu cầu đầu tư vào vàng xuống mức thấp nhất trong 10 năm là 945 tấn. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong nhu cầu đầu tư đã được bù đắp bởi hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương, do Trung Quốc, Ba Lan và Singapore dẫn đầu, giúp lượng mua ròng duy trì ở mức trên 1.000 tấn.

Tuy nhiên, hơn một nửa lượng mua vàng của ngân hàng trung ương đều không xác định được danh tính người mua, do các tổ chức tài chính cố ý che giấu số lượng mua thực từ IMF hoặc sử dụng các phương tiện khác để mua vàng.

Hamilton cho biết thay vì có mối tương quan với lãi suất thực, vàng đang được thúc đẩy bởi các ngân hàng trung ương và nhu cầu của hộ gia đình Trung Quốc.

Adrian Ash, giám đốc nghiên cứu tại BullionVault, một dịch vụ đầu tư kim loại quý, cho biết: “Nhu cầu tiêu dùng vàng tại Trung Quốc không có dấu hiệu giảm bớt trong thời gian tới”.