Giá xăng dầu trong nước “lỗi nhịp” với thế giới: Ai thiệt?

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào ngày 2/5 vừa qua khi giá xăng dầu trong nước tăng 1.000 đồng/lít thì giá xăng dầu thế giới lại “lao dốc”. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể đặt câu hỏi phải chăng cách điều hành giá xăng dầu trong nước đang có vấn đề và người dân chịu thiệt.

Giá xăng dầu trong nước tăng, trong khi giá dầu thế giới giảm mạnh. Ảnh: Thanh Hải
15 ngày điều chỉnh một lần là quá dài
Sau đợt tăng giá xăng dầu trong nước (2/5), giá xăng dầu thế giới từ mức bình quân 80 USD/thùng lao dốc mạnh. Cụ thể chốt phiên giao dịch ngày 11/5 giá dầu thô ngọt nhẹ trên thị trường Mỹ (WTI) giảm 0,2% xuống 61,3 USD/thùng, trước đó kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Sáu 10/5, giá dầu WTI giảm 4 cent xuống 61,6 USD/thùng; Ngày 9/5, giá xăng RON 92 (xăng pha chế xăng E5) đã giảm xuống còn 72,6 USD/thùng.
Việc để DN được quyền quyết định giá không chỉ đúng với bản chất của kinh tế thị trường mà còn mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng khi các DN cạnh tranh về giá và chất lượng dịch vụ để thu hút người tiêu dùng. Đơn cử tại Hàn Quốc, sau khi Chính phủ tự do hóa hoạt động kinh doanh xăng dầu, từ đó tạo dựng một thị trường cạnh tranh lành mạnh trong khuôn khổ của pháp luật, giá xăng dầu bán lẻ tại Hàn Quốc đã tiệm cận giá thế giới. Đây là mô hình mà Việt Nam nên học tập.

Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ

Việc giá xăng dầu thế giới giảm đã khiến người tiêu dùng và DN kỳ vọng trong kỳ điều hành ngày 17/5 giá xăng dầu trong nước sẽ giảm sau 3 kỳ tăng mạnh liên tiếp với tổng mức tăng lên đến hơn 3.600 đồng/lít, giá điện cũng tăng từ 20/3. Thế nhưng theo ông Nguyễn Văn Tiu - Chủ tịch HĐQT Công ty Xăng dầu Tự Lực I, trong kỳ điều hành tới đây giá xăng dầu khó có thể giảm mạnh bởi Quỹ bình ổn giá thời gian qua xả rất mạnh, nên nhiều DN âm quỹ này. Chẳng hạn, ngày 2/5, Petrolimex âm 355 tỷ đồng, PVoil âm gần 700 tỷ đồng, như vậy chỉ riêng 2 DN xăng dầu đầu ngành đã âm khoảng 1.000 tỷ đồng. “Vì vậy trong kỳ điều chính tới rất có thể liên Bộ Công Thương - Tài Chính sẽ giữ nguyên giá chứ không giảm được, hoặc vừa dùng quỹ vừa giảm giá thì mức giảm giá xăng cũng sẽ không mạnh như biến động thế giới bởi Quỹ bình ổn giá đang âm” - ông Tiu dự báo.

Theo các DN, nguyên nhân khiến việc giá xăng dầu trong nước không vận hành nhịp nhàng theo giá thế giới là do được điều chỉnh 15 ngày một lần theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP về điều hành xăng dầu. Vì vậy, tháng 4/2019 Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu việc 15 ngày điều chỉnh giá một lần là “không hợp lý” bởi với quy định này, giá bán lẻ trong nước sẽ khó có thể bắt kịp những biến động của giá xăng dầu thế giới. Qua đó đề nghị rút ngắn tần suất điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 10 ngày qua đó giá bán trong nước tiệm cận với giá thế giới, tránh độ trễ trong việc điều chỉnh giá.

Theo ghi nhận của báo Kinh tế & Đô thị về thực tế hoạt động kinh doanh xăng dầu tại nước Úc, DN được quyền tự quyết định tăng, giảm giá xăng dầu theo giá thế giới, trong một ngày nếu giá dầu thế giới biến động 2 - 3 lần thì giá bán cũng tăng giảm tương đương. Việc làm này cho thấy giá bán lẻ xăng dầu tại Úc luôn tiệm cận diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Nhiều mặt hàng tăng giá theo xăng dầu

Khảo sát thực tế thị trường hàng hóa sau khi xăng dầu, điện tăng giá cho thấy, những ngày gần đây không chỉ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá mà vật liệu xây dựng và nhiều mặt hàng khác cũng thông báo tăng giá bán ra với lý do là chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Cụ thể mặt hàng sắt, thép tăng giá bán từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn. Sản phẩm xi măng cũng trong tình trạng tương tự sau khi Công ty CP Xi măng Xuân Thành tăng thêm 50.000 đồng/tấn đối với xi măng bao, rời. Công ty CP Xi măng Hướng Dương tăng 30.000 đồng/tấn đối với tất cả sản phẩm xi măng bao Pomihoa hay xi măng Sông Gianh cũng tăng thêm 29.700 đồng/tấn... Lý giải việc nhiều DN xi măng điều chỉnh giá bán, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung nêu rõ do chi phí nguyên vật liệu đầu vào sản xuất như: Điện, than, xăng dầu… tăng cao buộc DN phải tăng giá bán để đảm bảo chi phí sản xuất, kinh doanh. Thông tin từ Công ty TNHH Minh Long Hưng (DN chuyên sản xuất quần áo trẻ em) do giá điện, xăng dầu tăng liên tục nên từ giữa tháng 5/2019 công ty sẽ tăng giá 15% sản phẩm quần áo trẻ em.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu việc tăng giá xăng, giá điện đã đẩy giá nhiều ngành hàng khác tăng theo, vì xăng, điện là một trong những chi phí đầu vào của DN sản xuất.

Việc DN tăng giá hàng hóa sau khi xăng dầu, điện liên tục tăng 3 lần trong một tháng là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên DN cần tính toán, cân nhắc kỹ sao cho phù hợp. Theo các chuyên gia, để bù đắp lại những khoản tăng của chi phí đầu vào về giá xăng và điện, qua đó không tăng giá bán DN phải tiết giảm những chi phí không cần thiết, thậm chí chấp nhận giảm bớt lợi nhuận, tập trung sản xuất các nguyên liệu có giá tốt, qua đó xây dựng mặt bằng giá bán được người tiêu dùng chấp nhận, nếu tăng cao quá về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng đến thị phần của chính DN.