Giấc mơ xa xỉ về trường quay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã quá nửa năm từ sau ý tưởng xây dựng 3 trường quay tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh trong Đề án phát triển và quy hoạch điện ảnh Việt, vẫn chưa có một trường quay nào được xây dựng.

Trong khi đó, phần lớn các bộ phim Việt luôn trong tình trạng đạo diễn vác máy quay tìm bối cảnh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Có cũng như không

Cho đến thời điểm này, phim trường dành cho các nhà làm điện ảnh duy nhất ở miền Bắc vẫn là Cổ Loa. Nói là trường quay cho sang, thực ra phim trường này được các nước bạn hỗ trợ xây cách đây hơn 30 năm, và được đầu tư sửa sang vào năm 2008, nhưng đến nay đã gần giống một khu đất hoang. Bối cảnh của những bộ phim “vang bóng” một thời như: “Chị Tư Hậu”, “Chung một dòng sông”, “Nghêu, sò, ốc, hến”… giờ xập xệ, cỏ mọc tràn lan. Một số đạo diễn thời hiện đại khi sản xuất “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Huyền sử Thiên Đô”, “Đập cánh giữa không trung”… đã dùng bối cảnh của trường quay Cổ Loa, nhưng đều lắc đầu ngao ngán vì nơi đây không đảm bảo những điều kiện tối thiểu mỗi khi tiến hành quay các cảnh phim. Có đạo diễn thẳng thắn thừa nhận: “Phim trường ở Việt Nam là vậy, không được xây dựng kiên cố và lâu dài như nước ngoài. Có phim trường hay không cũng vậy thôi. Đã có rất nhiều phim trường được bày ra nhưng hiệu quả mang lại chẳng là bao, chỉ lãng phí tiền bạc và                  công sức”.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng - tác giả của những bộ phim “Những người viết huyền thoại”, “Đường thư”… cho biết: “99% số phim tôi làm đều quay ở ngoài vì không có phim trường nào đáp ứng được các bối cảnh trong phim. So với điện ảnh thế giới, chúng ta quá lạc hậu, ngay cả phim trường đàng hoàng cũng không có”.

Đủ thứ ý tưởng

Vấn đề xây dựng phim trường đã được xới đi xới lại rất nhiều lần trong các cuộc hội bàn về chiến lược phát triển điện ảnh Việt. Năm 2008, nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và để ngành điện ảnh có một trường quay chuyên nghiệp, Bộ VHTT&DL đã ký quyết định cải tạo xây dựng lại trường quay Cổ Loa thành trường quay cấp quốc gia với số vốn hơn 100 tỷ đồng. Thế nhưng, khi đã trình Chính phủ thì việc xây dựng một trường quay đúng nghĩa cho điện ảnh Việt vẫn còn nhiều bàn cãi.

Ngoài ra, gần 10 năm trước, khi Bộ VHTT&DL cho phép ngành điện ảnh xây dựng trường quay cả nội, ngoại cảnh, Cục Điện ảnh Việt Nam đã khảo sát tại Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) để xây dựng phim trường. Bởi theo Cục điện ảnh, nơi này rất thích hợp, đủ điều kiện cho một trường quay tầm cỡ quốc tế. Bên cạnh đó, Hội Điện ảnh Việt Nam lại cũng đưa thêm ý tưởng, mong muốn của các hội viên là xây dựng một trường quay ở Nha Trang vì nơi đó được thiên nhiên ưu đãi. Nhưng ý tưởng mãi không thành hiện thực vì tỉnh Khánh Hòa không bố trí được quỹ đất. Và thời gian cứ lặng lẽ qua đi…

Tại hội thảo về triển khai đề án quy hoạch, phát triển điện ảnh 2015 – 2020 tầm nhìn 2030 của Bộ VHTT&DL mới đây, một lần nữa vấn đề xây dựng trường quay cho điện ảnh Việt được người làm ngành quan tâm. Bộ VHTT&DL cũng đưa ra dự định xây dựng 3 trường quay tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Dù việc đầu tư xây dựng phim trường là cần thiết, là mong mỏi của các nhà làm phim, song đây là những giấc mơ xa xỉ.