Giải bài toán kích cầu

Chuyên gia kinh tế Đào Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại sao và làm thế nào là những câu hỏi đặt ra đối với “cầu” của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Sản xuất thiết bị điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất thiết bị điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

“Cầu” yếu vì sao?

“Cầu” yếu không phải bây giờ mới diễn ra, mà bắt đầu từ năm 2020, khi khủng hoảng kinh tế chu kỳ khoảng 10 năm xảy ra một lần (sau khủng hoảng bắt đầu từ 2008 - 2010 trên thế giới và Việt Nam kết thúc chậm hơn), cộng hưởng với đại dịch Covid-19 xảy ra vào năm 2020, bùng phát vào năm 2021. Cuộc khủng hoảng kép này đã làm cho tăng trưởng kinh tế của hầu hết các nền kinh tế mang dấu âm. Việt Nam nằm trong số ít nền kinh tế tăng trưởng dương, nhưng tốc độ thấp nhất trong nhiều thập kỷ, kéo theo “cầu” bị giảm sâu.

Năm 2022, nhờ thay đổi chiến lược và đạt kết quả tích cực trong việc phòng chống đại dịch, nên tăng trưởng kinh tế đã bật tăng, kéo theo “cầu” phục hồi bước đầu, nhưng vẫn còn yếu so với trước đại dịch.

“Cầu” yếu được nhận diện dưới các góc độ khác nhau. Ở góc độ thứ nhất thể hiện ở xuất siêu liên tục ở mức cao. Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất siêu hàng hóa lên đến gần 9,7 tỷ USD – là tín hiệu khả quan để cả năm sẽ là năm thứ 8 liên tiếp xuất siêu. Nhập siêu quý I về dịch vụ đã giảm mạnh so với cùng kỳ (-216 triệu USD so với 4.304 triệu USD).

Ở góc độ thứ hai, tích lũy tài sản và tiêu dùng có quy mô thấp. Tích lũy tài sản gồm 2 phần. Một phần để đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh; một phần (tuy cũng gọi là đầu tư), nhưng thực chất đã bị “chôn” vào tiền ảo, bất động sản, vàng, trái phiếu DN… với lượng vốn không nhỏ. Do vậy, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP đã giảm.

Trong 3 nguồn vốn đầu tư phát triển trong quý I, nguồn của dân cư và tư nhân tuy có tỷ trọng cao hơn tỷ trọng 2 nguồn vốn còn lại, nhưng so với cùng kỳ tỷ trọng đã giảm (56,4% so với 57,4%), do tốc độ tăng thấp hơn tốc độ chung (1,8% so với 3,7%). Lượng vốn của các DN khởi nghiệp 5 tháng giảm 25,2% so với cùng kỳ.

Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước 5 tháng tuy tăng khá (18,4%), nhưng mới đạt 25,5% kế hoạch cả năm, trong đó nguồn vốn do T.Ư quản lý, một số bộ/ngành, một số địa phương còn đạt thấp hơn. Đáng lưu ý, đầu tư công chậm, tỷ lệ thực hiện dự toán cả năm của chi ngân sách cho đầu tư phát triển mới bằng 21,6%... thì lượng vốn Kho Bạc gửi ngân hàng số dư đã lên trên 1 triệu tỷ đồng!

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cũng giảm 7,3% (trong đó cấp mới tăng 27,8%, đăng ký điều chỉnh giảm 59,4%, đăng ký góp vốn, mua cổ phần tăng 67,2%); thực hiện giảm 0,8%.

Tiêu dùng yếu không chỉ diễn ra ở thị trường trong nước mà còn ở các thị trường xuất khẩu. Xuất khẩu 5 tháng giảm sâu (-12,3%) do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố “cầu” tiêu dùng giảm sâu (ngay cả những nền kinh tế lớn cũng bị giảm sâu, như Mỹ giảm 9.869 triệu USD, Hàn Quốc giảm 1.098 triệu USD, Trung Quốc giảm 1.479 triệu USD).

“Cầu” yếu vì nhiều lẽ, dễ hiểu là nhu cầu vốn đầu tư yếu. Đầu tư yếu vì tiêu thụ sản phẩm khó, tỷ suất lợi nhuận thấp, thậm chí mang dấu âm, làm cho vốn ngân sách, vốn ngân hàng bị ế… Đầu tư yếu vì còn nợ, thậm chí nợ quá hạn. Đầu tư yếu vì không có đơn hàng… Tiêu dùng yếu còn vì tâm lý “tích cốc phòng cơ”, “thắt lưng buộc bụng” tăng mạnh trong 2 năm đại dịch xuất hiện và bùng phát, giảm một chút vào năm 2022, nhưng lại có xu hướng tăng từ cuối 2022.

Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng

Chủ trương tiếp tục việc chuyển đổi chính sách tài khóa và tiền tệ đã được đưa ra từ vài tháng nay, thậm chí có thể với liều lượng lớn hơn trong thời gian dài hơn. Liều lượng lớn hơn như giảm thuế suất, một số loại giảm nhiều hơn, các khoản hỗ trợ lớn hơn; giảm lãi suất cho vay lớn hơn, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn (có thể tăng trưởng cao trở lại trên 18%); mua nhiều USD hơn để tăng dự trữ ngoại hối.

Tăng cung tiền cho lưu thông vì sau mấy năm tốc độ tăng số dư tổng phương tiện thanh toán chậm lại (2019 tăng 14,8%, 2020 tăng 14,5%, 2021 tăng 10,7%, 2022 ước tăng 3,9%, quý I/2023 chỉ tăng 0,57% - thấp so với tăng 2,49% của cùng kỳ).

Tốc độ tăng số dư tổng phương tiện thanh toán một số thời gian còn thấp hơn tốc độ tăng tiền gửi và dư nợ tín dụng (như 2022 là 3,9% so với 6% và 14,5%; quý I/2023 là 0,57% so với 0,77% và 1,61%). Áp dụng rộng hơn để có nhiều đối tượng được thụ hưởng. Sớm hơn tháng nào hay tháng ấy, vì sự nguy cấp của DN trong cuộc khủng hoảng này còn khó hơn, nhất là về đầu ra so với cuộc khủng hoảng 2008 - 2010. Thời gian cũng cần kéo dài hơn, không chỉ gói gọn trong năm 2023…

Nhiều nền kinh tế lớn đã không còn duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ thắt chặt, thậm chí đã giảm lãi suất (như Trung Quốc, Nhật Bản…) và chuyển sang nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng. Đó là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Về đầu tư cần tăng lượng vốn đầu, cấp bách nhất giải ngân đầu tư công quyết liệt hơn, nhanh hơn, khuyến khích tư nhân khởi nghiệp đầu tư, hỗ trợ DN để giảm thiểu việc rời khỏi thị trường, quay lại hoạt động, đang hoạt động.

Nâng cao hiệu quả đầu tư trên cơ sở đẩy nhanh cấp vốn, đẩy nhanh thi công, giảm thiểu thất thoát, lãng phí… Về tiêu dùng, tăng công ăn việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ người bị thất nghiệp; giảm nhanh thuế VAT… Về xuất khẩu, cần khai thác tốt hơn các thị trường đã có với 15 FTA với trên 60 nước, xúc tiến nhanh việc ký kết FTA với Ixraen, Nam Mỹ, châu Phi…