Giải bài toán ô nhiễm không khí: Tăng cường sử dụng công cụ chính sách đối với người gây ô nhiễm

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ô nhiễm không khí đã và đang là mối quan ngại lớn với người dân. Gần đây, chỉ số chất lượng không khí liên tục trong nhiều ngày tại Hà Nội và các tỉnh TP lớn, các khu công nghiệp ở ngưỡng cao của thang cảnh báo.

Tại tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề "Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm" do trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức sáng 14/1/2020, vấn đề ô nhiễm và quản lý ô nhiễm không khí trên thế giới và ở Việt Nam dưới các góc nhìn khác nhau,… đã được đại diện một số bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia,… thảo luận sôi nổi, qua đó đưa ra khuyến nghị về các chính sách giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian tới.

Quang cảnh tọa đàm
Bất cập chưa được xử lý triệt để
Theo PGS.TS Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, trong những năm qua, với xu thế đổi mới và hội nhập, Việt Nam đã tạo được những xung lực mới cho quá trình phát triển, vượt qua tác động của suy thoái toàn cầu và duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm với mức bình quân 6,5-7%/năm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường không khí (MTKK).
Số liệu thống kê cho thấy, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí (ONKK) và chất lượng không khí. Trong cơ cấu bệnh tật, các bệnh về đường hô hấp cũng là 1 trong 5 nhóm bệnh bị mắc phải cao nhất.
Bên cạnh đó, các chất gây ONKK chính là thủ phạm gây ra hiện tượng lắng đọng và mưa axit, gây hủy hoại các hệ sinh thái, làm giảm tính bền vững của các công trình xây dựng và các dạng vật liệu. Ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên và đẩy nhanh biến đổi khí hậu.
Mặc dù đã nhận thức được sự nghiêm trọng và đề xuất một số giải pháp để kiểm soát ONKK nhưng nhìn chung, công tác quản lý ONKK tại Việt Nam vẫn còn những bất cập chưa được giải quyết triệt để.
Đó là các vấn đề như hệ thống thể chế về MTKK chưa đáp ứng yêu cầu (thiếu các quy định đặc thù cho MTKK; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về MTKK chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; tính hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật chưa cao và thiếu tính gắn kết); hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu hay các hoạt động hỗ trợ (đầu tư, nghiên cứu khoa học công nghệ, sự tham gia của cộng đồng) chưa phát huy hiệu quả; ý thức tuân thủ các quy định về BVMT của các chủ nguồn thải còn hạn chế. Đặc biệt là những cơ chế tài chính để quản lý ô nhiễm không khí.
“ONKK không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề quản lý. Để giải quyết vấn đề ONKK, cần xây dựng các giải pháp, lựa chọn các ưu tiên và thực hiện có lộ trình chặt chẽ. Các giải pháp cần được xây dựng đồng bộ và toàn diện để giải quyết nhu cầu quản lý và bảo vệ MTKK về lâu dài. Trong đó những góc nhìn kinh tế và bản chất kinh tế của ONKK cần được xem xét phân tích, nhìn nhận để lồng ghép vào các công cụ, chính sách quản lý hướng tới một môi trường trong lành an toàn hơn cho người dân, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho xã hội, đặc biệt tại các đô thị, hướng tới sự bền vững” - PGS.TS Bùi Đức Thọ nhận định.
 Ô nhiễm không khí đang là mối lo lắng của người dân TP (Ảnh minh họa)
Vẫn thiếu định hướng cụ thể
Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, để cuộc chiến chống ONKK đạt được hiệu quả về kinh tế và xã hội, cần thực thi ngay một hệ thống các giải pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó có các biện pháp cảnh báo, dự báo, khuyến cáo và thực thi các chính sách cắt giảm hoạt động gây ô nhiễm không khí, hướng tới một môi trường trong lành, an toàn hơn cho người dân, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho xã hội, đặc biệt tại các đô thị.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Viện Chiến lược,Chính sách Tài nguyên & Môi trường, chủ trương, định hướng chung  về BVMT đã đầy đủ nhưng thiếu định hướng cụ thể cho ONKK. Các văn bản, quy định pháp luật về kiểm soát chất lượng không khí được xây dựng theo hướng tiếp cận quản lý, kiểm soát trực tiếp các nguồn thải.
Tuy nhiên, nếu so với các vấn đề chất thải khác như chất thải rắn, nước thải thì vấn đề không khí vẫn ít được quan tâm hơn; việc triển khai đưa các qui định đó vào thực tiễn vẫn còn chưa được chú trọng. Do đó, cần tăng cường sử dụng các công cụ chính sách để điều chỉnh hành vi của người gây ô nhiễm, đặc biệt là các công cụ  kinh tế; quán triệt và vận dụng có hiệu quả các nguyên tắc người gay ô nhiễm  phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường;…
“Về lâu dài, chính sách phát triển kinh tế tổng thể cần xác định  những mục tiêu kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là những cách tiếp cận đột phá để giải quyết  vấn đề  môi trường. Cần loại bỏ tư duy độc lập, đơn ngành, đơn lĩnh vực, đại phương, vùng, miền trong quá trình hoạch định các chiến lược, chính sách phát triển ở tất cả các cấp, ngành,…” - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh phân tích.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần