Giải bài toán thiếu cát cho các dự án giao thông trọng điểm vùng ĐBSCL

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị thành lập tổ công tác kỹ thuật với sự tham gia của lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ TN&MT, các địa phương để giải quyết những vấn đề vướng mắc pháp lý, thực hiện điều tra, khảo sát những mỏ cát mới.

Ngày 5/9, tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL về việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm của vùng.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ GTVT cho biết, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT tại khu vực ĐBSCL gồm 4 dự án gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh với tổng chiều dài là 355 km, tổng mức đầu tư gần 83.000 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp

Nhu cầu vật liệu về đá các loại khoảng 6,6 triệu m3, đất đắp khoảng 4,7 triệu m3, cát đắp nền khoảng 53,68 triệu m3. Đối với vật liệu đá, đất tại các mỏ đang khai thác trong khu vực đã cơ bản đảm bảo đủ trữ lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu theo tiến độ các dự án.

Băn khoăn giao mỏ cát cho nhà thầu

Theo đại diện Bộ GTVT, việc triển khai các thủ tục nâng công suất mỏ, giao mỏ mới cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù của các địa phương còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ.

Cụ thể, việc triển khai các thủ tục giao mỏ cho nhà thầu khai thác cát phục vụ dự án thành phần 2 và 3 thuộc Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng còn chậm. Vì thế, tỉnh An Giang đã có chủ trương thống nhất hỗ trợ 2 khu mỏ cho các tỉnh Hậu Giang và TP. Cần Thơ để khai thác phục vụ các dự án, tuy nhiên đối với mỏ Nhánh cù Lao Tây là mỏ nạo vét, tận thu không phải mỏ khoáng sản nằm trong quy hoạch nên địa phương chưa thể triển khai các thủ tục.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Hiện nay địa phương đang gặp khó khăn vướng mắc về cơ chế giao mỏ cho nhà thầu.

“Tôi đề nghị giữa nhà thầu thi công và tỉnh phải ngồi lại để tính toán, cần thiết thống nhất giới thiệu những doanh nghiệp khai thác có kinh nghiệm để làm sao đảm bảo việc khai thác này không ảnh hưởng đến môi trường, gây sạt lở”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng nguyên nhân chậm trễ trong việc cấp phép, gia hạn, nâng công suất khai thác mỏ có trách nhiệm của địa phương, các bộ, ngành và cả nhà thầu khi triển khai việc rút ngắn quy trình giao trực tiếp mỏ.

"Đồng Tháp cam kết đến ngày 20/9 sẽ hoàn thành cấp phép khai thác mỏ cho nhà thầu để bảo đảm đủ nguồn cát san lấp cho dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau theo chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời điều phối đủ nguồn cát san lấp cho các dự án cao tốc đi qua địa bàn", ông Phạm Thiện Nghĩa nói.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc với các địa phương ĐBSCL về triển khai các dự án giao thông trọng điểm.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc với các địa phương ĐBSCL về triển khai các dự án giao thông trọng điểm.

Thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá tinh thần hợp tác giữa các bộ, ngành trung ương với các địa phương tốt và có trách nhiệm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các cấp, các ngành, các địa phương phải quyết tâm cao hơn nữa vì đây là công trình được Đảng và Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm và cũng chính là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương trong vùng.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT, các nhà thầu phải rà soát lại tiến độ các dự án cao tốc để phối hợp với Bộ TN&MT, các địa phương để điều phối hiệu quả hoạt động cung cấp vật liệu. Đặc biệt, thành lập tổ công tác kỹ thuật với sự tham gia của lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ TN&MT, các địa phương để giải quyết những vấn đề vướng mắc pháp lý, thực hiện điều tra, khảo sát những mỏ cát mới, khu vực có tiềm năng để đưa vào quy hoạch.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương có dự án cao tốc đi qua, các chủ đầu tư, các đơn vị thi công phải phản ánh thẳng thắn và chính xác tình hình, phân tích rõ nguyên nhân để tìm giải pháp giải quyết. Đồng thời, cần phản ánh ngay những khó khăn đến Chính phủ, bộ, ngành liên quan trong quá trình thực hiện triển khai dự án.