Giải bài toán thừa, thiếu giáo viên: Trao quyền chủ động cho ngành giáo dục

Bài, ảnh: Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận xung quanh vấn đề “thiếu giáo viên”...

... và “chỉ tiêu biên chế giáo viên” bởi đây là câu chuyện trăn trở, day dứt đã lâu mà chưa được ngành giáo dục giải quyết thấu đáo.

Giờ học của học sinh trường Tiểu học Thịnh Hào, quận Đống Đa. Ảnh: Công Hùng
Giờ học của học sinh trường Tiểu học Thịnh Hào, quận Đống Đa. Ảnh: Công Hùng

Sinh viên sư phạm chờ... biên chế

Nếu như trước đây, sinh viên sư phạm ra trường ở nhà một năm hoặc vài năm để chờ việc khá phổ biến thì nay (nhất là ở khu vực thành thị), sinh viên ĐH Sư phạm chính quy năm cuối đã có thể xin cộng tác ở các trung tâm dạy thêm, trung tâm gia sư, trung tâm tiếng Anh, Công ty giáo dục… TS Trần Thị Hà Giang - Trưởng khoa Sư phạm (ĐH Thủ đô Hà Nội) cho biết, sinh viên khoa Sư phạm ra trường hầu hết xin được việc. Tuy nhiên, các trường hợp có việc luôn, đi làm ngay đa phần là làm gia sư, giáo viên hợp đồng ở trường công hoặc các đơn vị giáo dục ngoài công lập.

Cô Nguyễn Thị Thảo - Giáo viên một trường tiểu học ngoài công lập tại quận Hà Đông cho hay, ngay sau khi ra trường, cô đã nộp hồ sơ dự tuyển viên chức vào một trường THCS công lập tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Vì biết vấn đề tuyển dụng còn phụ thuộc vào chỉ tiêu biên chế nên trong thời gian chờ đợi, cô đã ứng tuyển vào trường tiểu học ngoài công lập và dạy ở đó suốt 5 năm. Mới đây, khi có đợt tuyển viên chức, cô tham gia, thi đỗ nên đã rút hồ sơ và xin nghỉ việc ở trường tư.

“Tôi thấy mình may mắn vì cả lớp ĐH của tôi ra trường đều dạy trường tư, có duy nhất tôi đỗ trường công tính đến thời điểm này. Dạy ngoài công lập lương cao hơn nhưng giáo viên rất vất vả vì khối lượng công việc nặng; nghỉ ngày nào bị trừ lương ngày đó và nhiều chính sách lương thưởng không như trường công lập. Dạy trường công mang đến cho giáo viên cảm giác yên tâm nên hầu hết thầy cô dạy trường tư đều ấp ủ một ngày được biên chế chính thức ở trường công” - cô Nguyễn Thị Thảo tâm sự.

Phân tích và đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên (như giáo viên chuyển việc, thực hiện chương trình GDPT mới…), Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhắc đến việc các địa phương có thời gian dài không tuyển giáo viên; có tuyển nhưng không tuyển được hoặc nhiều nơi dồn vài ba năm mới tuyển một lần. Bộ trưởng cũng thẳng thắn đề cập đến vấn đề có thể “phát sinh tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên dẫn đến nhiều người không muốn ứng tuyển”, vì vậy cần “giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng giáo viên để đảm bảo việc tuyển dụng công khai, công bằng”. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng đề xuất cân nhắc việc giảm biên chế 10%; đồng thời đề nghị các địa phương tăng cường dùng ngân sách địa phương để ký các hợp đồng đối với giáo viên mà không thuộc các chỉ tiêu biên chế.

Theo tính toán của ngành giáo dục, tổng số giáo viên còn thiếu từ nay đến năm 2026 là 107.000, trong đó chỉ tiêu đã được duyệt là hơn 65.000. Ngoài việc thiếu chỉ tiêu, các địa phương còn tồn đọng hơn 10.000 chỉ tiêu chưa tuyển dụng. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương vừa tuyển dụng mới, vừa tuyển dụng số lượng còn tồn đọng này.

“Trong số 65.000 chỉ tiêu, tuy là rải rác đến năm 2026 nhưng cũng mong ngành Nội vụ phối hợp với ngành Giáo dục để dồn chỉ tiêu này cho năm 2023 và năm 2024 bởi đây là các năm nhu cầu giáo viên cho các môn học mới rất lớn và nếu như sau năm 2024, khi triển khai chương trình GDPT mới đã xong thì việc tuyển dụng không còn nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, việc dồn vào tuyển dụng cũng sẽ dẫn đến những khó khăn khác như nguồn tuyển và tăng chỉ tiêu đào tạo. Các địa phương cần tuyển ngay, tránh tình trạng để dồn 2 - 3 năm mới tuyển” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Giờ lên lớp của học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy.
Giờ lên lớp của học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy.

Giáo dục cần được thực hiện trọn vẹn “ba quyền”

Được biết, biên chế của ngành giáo dục hiện nay do ba cơ quan có thẩm quyền quản lý là Bộ Nội vụ giao và duyệt biên chế; UBND cấp tỉnh trực tiếp tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức giáo viên; Bộ GD&ĐT quy định danh mục vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, không bổ nhiệm được hệ thống dọc và không điều động được. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thực chất việc giao biên chế viên chức hàng năm (trong đó có viên chức giáo viên), Bộ Nội vụ không có thẩm quyền mà chỉ có nhiệm vụ thẩm định biên chế viên chức hàng năm để các đơn vị căn cứ vào đó (theo quy định của Luật Viên chức) các địa phương thông qua HĐND.

Trên cơ sở đó, phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, phải nhìn nhận "một cách sòng phẳng" về trách nhiệm của ngành giáo dục, khi triển khai chương trình GDPT 2018 đã quy định rõ trách nhiệm của các địa phương là đảm bảo các điều kiện để triển khai, từ trường lớp, giáo viên, trang thiết bị, dụng cụ dạy học. Nếu ngân sách địa phương không cân đối được thì phải đề nghị T.Ư hỗ trợ. Bộ GD&ĐT hiện không có quyền tuyển dụng giáo viên hay phân bổ tài chính.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, Nhà nước nên cho ngành Giáo dục nâng cao quyền tự chủ nhiều hơn nữa, cụ thể là cho ngành Giáo dục thực hiện trọn vẹn ba quyền: Quyền tuyển người, quyền dùng tiền và quyền ban hành các chính sách giáo dục. Mặt khác, các địa phương cần thực hiện phân cấp quản lý một cách hợp lý, tăng quyền chủ động cho cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ giáo viên hiệu quả, bền vững và chất lượng.

“Xưa nhà có 3 đời làm thầy là phúc; nhà có 5 đời làm thầy là đại phúc nhưng đến nay, số gia đình 3 đời làm thầy đã rất hiếm, chưa nói 5 đời làm thầy. Không có thế hệ người thầy ưu tú, tương lai của đất nước sẽ ra sao? Sinh viên ưu tú phải khát khao cống hiến, khát khao truyền đạt kiến thức để phát triển năng lực của người học" - PGS.TS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh. Thật vậy, giáo dục là quốc sách hàng đầu, người thầy phải là nhân tố hàng đầu trong chính sách giáo dục, nếu thực hiện tốt được điều này sẽ xóa tan những bất cập trong giáo dục hiện nay.

 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên là do thiếu quy hoạch, thiếu tính toán, không có lộ trình trong công tác đào tạo. Chính sách nâng chuẩn giáo viên yêu cầu giáo viên cấp tiểu học, THCS phải có trình độ ĐH, trong khi các trường CĐ Sư phạm ở địa phương chưa có chính sách đào tạo 3+1; bậc ĐH chưa có kinh nghiệm đào tạo giáo viên cấp tiểu học, THCS.

PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Vấn đề giáo viên của ngành giáo dục còn rất ngổn ngang. Do vậy, muốn có một chính sách tổng thể về giáo viên, nhà giáo đòi hỏi Bộ GD&ĐT - Bộ Nội vụ phải tiếp tục phối hợp, bàn thảo để sao cho nghề thầy được tôn trọng và người thầy có giá trị.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo -Nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục

Dù thiếu giáo viên trầm trọng nhưng có được một suất biên chế vẫn là khát khao, là điều mong mỏi với giáo viên hợp đồng và sinh viên sư phạm.

TS Trần Thị Hà Giang - Trưởng khoa Sư phạm (ĐH Thủ đô Hà Nội)