Giải cứu bảo tàng 11.000 tỷ đồng thế nào?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hệ thống 150 bảo tàng công lập của Việt Nam, chỉ có 3 bảo tàng "ăn nên làm ra", tự nuôi cán bộ bằng tiền bán vé; còn lại, đại đa số đều rơi vào cảnh đìu hiu.

Thảm cảnh ấy của các bảo tàng khiến dư luận dậy sóng về con số đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới tại Tây Hồ.
10 năm sau xây chưa muộn

Phải nhắc lại, kinh phí 11.277 tỷ đồng đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Tây Hồ được đưa ra trong tờ trình thẩm định dự án của Bộ Xây dựng năm 2012. Trước đó, từ năm 2005 đến 2007, dự án này đã được lấy ý kiến của các nhà khoa học, cũng như cơ quan quản lý Nhà nước. Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) từng chia sẻ, thời điểm xin chủ trương đầu tư dự án không có nhiều ý kiến trái chiều, vì tình hình kinh tế đất nước lúc bấy giờ. Tuy nhiên, từ năm 2014, việc bố trí nguồn vốn gặp khó, dự án nhiều lần giãn tiến độ. Năm 2017, Bộ Xây dựng chính thức kiến nghị Thủ tướng về việc chưa thể bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng công trình này, kể cả trong kế hoạch trung hạn đến năm 2020. Không chỉ vốn xây dựng, mà cả tiền để chuẩn bị nội dung và hình thức trưng bày, trước khi có bộ khung là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hoành tráng cũng gặp khó.

Toàn cảnh Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng

Sau ý kiến của Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng không thúc đẩy dự án vào lúc này, quan điểm nuối tiếc thì ít, mà đồng tình thì nhiều. Trao đổi về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh bày tỏ, việc xây dựng bảo tàng đã đặt ra từ lâu và cũng có tranh luận về sự cần thiết cũng như năng lực tài chính, giá trị nghệ thuật… đã đặt ra câu hỏi cho xã hội. “Việc lãng phí trong sử dụng không gian bảo tàng để làm nhà hàng tiệc cưới, quán cafe, hàng cơm… cho thấy, việc sử dụng không gian bảo tàng một cách tràn lan là chưa cần thiết trong thời điểm này” – KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh. Bằng chứng là ở Việt Nam đang có khoảng 150 bảo tàng công lập, nhưng chỉ có 3 bảo tàng được liệt vào danh sách no ấm khi Nhà nước “buông”, đó là Bảo tàng chứng tích chiến tranh ở TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội với mức lương nhân viên từ 8 triệu đồng trở lên, cho khoảng gần 100 nhân lực.

Ngược lại, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam được cho rằng sở hữu khu đất vàng, nằm trên phố Tông Đản, ngay cạnh Nhà hát Lớn Hà Nội, nhưng chỉ đông khi có dịch vụ cho thuê tổ chức đám cưới và café. Từng tổ chức một vài chuyên đề trưng bày như "Cải cách ruộng đất", "Mặt trận Việt Minh", "30 năm đổi mới" hoặc "Ấn tín Hoàng cung"… song “cái thì mới diễn ra vài ngày bị tuýt còi đóng cửa, cái thì nhạt nhẽo” – PGS.TS Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bày tỏ. Rất nhiều chuyên gia cho rằng việc xây dựng bảo tàng là cần thiết, nhưng không phải lúc này. Khi nền kinh tế chưa đủ mạnh, công cụ bảo tàng còn yếu kém, không gian bảo tàng hiện có còn sử dụng lãng phí thì không cần thêm bất cứ công trình nào mới.

Không tiền đầu tư vẫn có thể trưng bày

Quan điểm của Bộ Xây dựng là không đầu tư vốn vào thời điểm này, nhưng công tác chuẩn bị vẫn phải tiến hành, để nếu điều kiện kinh tế cho phép, dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ được khởi công vào năm 2021. Câu hỏi đặt ra là, 12 năm trước, dự án Bảo tàng Lich sử Quốc gia tại Tây Hồ đã hình thành, nhưng công tác chuẩn bị nội dung trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện nay cho dự án mới gần như bằng không. Theo PGS Huy: “Làm bảo tàng không phải xây xong tòa nhà mới làm nội dung, hoặc cứ xây đi đến gần xong mới lo nội dung. Bài học nhãn tiền là câu chuyện của Bảo tàng Hà Nội - công trình nghìn tỷ, nhưng xây dựng dự án không chuẩn bị cho nội dung. Đến ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, buộc phải vận động tư nhân lắp hiện vật để trưng bày. Cách trưng bày của Bảo tàng Hà Nội không phải trưng bày của bảo tàng, nó mang tính trưng bày của mấy ông đồ cổ nên không thể có khách”.

Theo PGS Huy, muốn có một bảo tàng "hút khách" trong tương lai, 10 năm trước khi khai trương, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phải chuẩn bị đào tạo đội ngũ nhân viên chất lượng. Ông Huy đặc biệt nhấn mạnh, không sử dụng đội ngũ đi học và bảo vệ các luận án nước ngoài bằng những chuyên đề lịch sử chung chung. Ngoài ra, ngay từ các chuyên đề trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện nay cũng cần thay đổi tư duy để hấp dẫn du khách. “Trưng bày chuyên đề hiện tại vừa là cách tập dượt cho trưng bày bảo tàng tương lai” – PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh. Cách làm này không phụ thuộc vào tiền đầu tư của dự án mới, mà tận dụng từ nguồn ngân sách hoạt động của bảo tàng hiện tại.

Xem xét lại vị trí đặt bảo tàng

Dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia dự kiến được xây dựng tại lô đất số 07 khu đô thị mới Tây Hồ Tây, Hà Nội với tổng diện tích hơn 10ha. Tổng vốn đầu tư của công trình được dự toán trên 11.200 tỷ đồng cho 4 hạng mục: Tòa nhà chính rộng hơn 20.400m2; khu tưởng niệm danh nhân; khu trưng bày ngoài trời trưng bày những hiện vật lớn; tái tạo không gian lịch sử; không gian văn hóa, kiến trúc đặc sắc và hạng mục kỹ thuật phụ trợ, cây xanh và cảnh quan. Riêng tòa nhà chính được xây dựng trên khu đất hơn 20.000m2, có một tầng hầm và sáu tầng nổi, bao gồm kho lưu giữ hiện vật qua các thời kỳ; trung tâm bảo quản và phục chế; hội trường, các phòng hội thảo, chiếu phim phục vụ công tác nghiên cứu, học tập…

KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng đặt vị trí bảo tàng ở Tây Hồ là vấn đề. “Tại sao ở Mỹ Đình có Bảo tàng Hà Nội, có Trung tâm hội nghị Quốc gia mà không đặt Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Mỹ Đình để kết nối với không gian công cộng. Nếu tư duy ở đây, cứ có miếng đất cực rộng rồi đặt bảo tàng thì không thể xây dựng tư duy du lịch từ bảo tàng. Chúng ta luôn làm theo kiểu người tiêu tiền mà không nghĩ người sử dụng, người hưởng thụ”.

Trong bối cảnh cả nước sục sôi chống lãng phí, thì một bảo tàng tiêu tốn đến hơn 11.000 tỷ đồng để rồi lâm vào cảnh thiếu tiền chắc chắn khiến dư luận bức xúc. Bởi nó liên quan đến quyền lợi của người dân, chủ thể đóng thuế. Đặc biệt, bức tranh kiếm tiền, tính hiệu quả của bảo tàng hoành tráng trong tương lai luôn bị hoài nghi. Nên nếu dự án đầu tư công trình nghìn tỷ này tạm dừng sẽ nhận được thái độ đồng tình nhiều hơn phản đối.
Cách trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang như một cái kho. Mặc dù bảo tàng sở hữu rất nhiều hiện vật vô giá nhưng thiếu tính khoa học, chưa chuyên nghiệp về trưng bày. Quốc gia nào cũng phải có bảo tàng lịch sử quốc gia trong giai đoạn khó khăn thì không thích hợp xây mới. Chúng ta đã có Bảo tàng Cách mạng và Bảo tàng Lịch sử, vậy hãy phát huy tốt 2 bảo tàng này đi.
KTS Phạm Thanh Tùng 

Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Trong điều kiện chưa có nhiều tiền, đội ngũ cán bộ còn hạn chế thì chúng ta nên phát triển những bảo tàng nhỏ mà có hiệu quả. Ví dụ Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên và Bảo tàng Lai Xá là bảo tàng nhỏ nhưng trưng bày chất lượng cao. Hiện nay, một số công ty du lịch đã quan tâm để dẫn khách thăm tour ở Lai Xá. Nhiều bảo tàng quy mô nhỏ mà hay thì sẽ tạo ra mạng lưới du lịch về bảo tàng – loại hình du lịch chiều sâu văn hóa. 
PGS.TS Nguyễn Văn Huy 

nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam