Giải đáp thắc mắc về trường hợp bị tước bằng lái gộp 2 hạng xe

Hoàng Hiệp
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người dân thắc mắc, trường hợp bằng lái xe (GPLX) đã gộp chung cả mô tô và ô tô, khi đi một trong 2 loại phương tiện và vi phạm giao thông, bị giữ bằng lái thì có được điều khiển loại phương tiện còn lại nữa hay không?

Kiểm tra hành chính người tham gia giao thông.

Đây có lẽ là thắc mắc khá phổ biến vì trong thực tế, số lượng người sở hữu GPLX bằng vật liệu PET có tích hợp bằng lái mô tô và ô tô đang chiếm số lượng lớn. Việc gộp chung 2 loại GPLX ô tô và mô tô vào một khiến nhiều người dân “lăn tăn” trong trường hợp không may bị giữ GPLX.

Về việc này, Thiếu tá Đào Việt Long - Phó phòng CSGT, Công an TP Hà Nội khẳng định: “Người dân hoàn toàn yên tâm vì theo quy định, người tham gia giao thông vi phạm hành vi đối với phương tiện nào thì bị tước quyền lái xe đối với phương tiện đó”.

 Người vi phạm khi bị giữ GPLX có gộp nhiều hạng xe vẫn có thể điều khiển loại phương tiện còn lại bình thường

Thiếu tá Đào Việt Long lấy ví dụ, trong trường hợp một người đi ô tô tham gia giao thông và vi phạm về nồng độ cồn sẽ bị tạm giữ GPLX theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP là 23 tháng. Trong thời gian này, người đó vẫn được quyền điều khiển xe mô tô bình thường và buộc phải tuân thủ theo các quy định đối với người điều khiển mô tô, xe máy.

“Trong trường hợp tạm giữ GPLX, CSGT sẽ ghi rõ vào biên bản loại GPLX bị tạm giữ, có phải là loại ghép hay không. Người vi phạm sau đó điều khiển loại phương tiện còn lại trong GPLX đã bị giữ phải mang theo biên bản để xuất trình trong trường hợp bị CSGT kiểm tra” - Thiếu tá Đào Việt Long cho biết.