TP Hồ Chí Minh:

Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2023 đạt 30%

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 28/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan chủ trì hội nghị tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 4/2023.

Dịch vụ, du lịch giữ vững tăng trưởng

Đến dự chỉ đạo hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ và lãnh đạo các sở, ngành, 21 quận huyện và TP Thủ Đức.

Hội nghị về kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023 của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung tâm báo chí.
Hội nghị về kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023 của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung tâm báo chí.

Theo đó, tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn TP quý 3/2023 ước tăng 6,71%; 9 tháng đầu năm tăng 4,57% so với cùng kỳ. Trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,14% so với cùng kỳ; công nghiệp, xây dựng tăng 2,57% so với cùng kỳ; dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP khi tăng 5,67% so với cùng kỳ; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,78%.

Ở lĩnh vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 871.198 tỷ đồng (tăng 8,6% so với cùng kỳ). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 10,6%; doanh thu lưu trú và ăn uống tăng 31,8%; doanh thu lữ hành tăng 68,9% và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác giảm 1,0% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp qua cửa khẩu cả nước 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 31,53 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 13,8%); tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp ước đạt 40,23 tỷ USD, giảm 17,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,3%)

Về xúc tiến thương mại và đầu tư, đã tổ chức nhiều hoạt động, nổi bật như: tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành lương thực thực phẩm, đồ uống; triển lãm sản phẩm tiêu biểu của TP trong khuôn khổ Lễ hội Việt - Nhật lần thứ 8; tuần lễ “Triển lãm sản phẩm ngành cơ khí, thiết bị điện và công nghệ số”; triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP lần 2 năm 2023 - HCMC FOODEX 2023; không gian triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh và các hoạt động bên lề trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế TP lần thứ 4 năm 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không”; diễn đàn xuất khẩu 2023 với chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế…

Đối với tình hình thực hiện vốn đầu tư công, TP đã giao và phân bổ vốn đầu tư công năm 2023 là 68.487,290 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 14.996,981 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 53.490,309 tỷ đồng. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước TP, tính đến hết ngày 22/9/2023, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân là 20.523 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30% tổng số vốn giao. TP đã tổ chức họp để đề ra giải pháp khắc phục các hạn chế, thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2023, đảm bảo kết quả giải ngân ít nhất đạt 95% theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trong 9 tháng ước thực hiện 326.193 tỷ đồng, đạt 69,45% dự toán và bằng 93,65% so cùng kỳ.

Cần kích hoạt thị trường bất động sản theo phân khúc nhà ở xã hội

Tại hội nghị, ông Lữ Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP cho rằng, hoạt động xuất khẩu khởi sắc, đã bắt đầu có những đơn hàng dệt may, da giày nhưng chỉ ngắn hạn nhằm phục vụ cho nhu cầu mua sắm Noel, Tết… Còn những mặt hàng dài hạn như gỗ, nội thất thì không có. Nguyên nhân có lại đơn hàng vì lượng tồn kho của các nước sắp hết nên họ đặt hàng để dự trữ.

 

Bên cạnh những mặt đạt được của TP, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng nêu rõ tăng trưởng kinh tế đến hiện tại vẫn chưa đạt chỉ tiêu đưa ra; giải ngân vốn đầu tư công đến tháng 9/2023 chỉ mới đạt 30%. Ban Thường vụ Thành ủy TP đã có chủ trương tổ chức chuyên đề vào trung tuần tháng 10/2023, với nội dung không những bàn về giải ngân vốn đầu tư công, mà còn có đầu tư nước ngoài, nhằm làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân nào, về công trình nào chậm trễ…

Cũng theo ông Hòa, thị trường nội địa thông qua một loạt chính sách, kích cầu khuyến mãi đã có tác động, khởi sắc nhưng chưa căn cơ. Có thể quý 3/2023 tăng vì người dân bỏ tiền mua nhưng quý 4/2023 sẽ ngưng vì đã mua rồi. Đối với sức mua ngành du lịch đang giảm chứ không tăng. Hầu hết doanh nghiệp cho rằng, môi trường kinh doanh của chúng ta vẫn chưa được cải thiện, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chưa được hoàn thuế, chậm hoàn thuế, các thủ tục đất đai vẫn chưa được thay đổi.

Doanh nghiệp mong có sự cải thiện tích cực hơn đối với môi trường kinh doanh; ngân hàng đã có động thái tích cực giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp lại không có nhu cầu vay, vì không biết vay để làm gì và chưa thấy kinh tế sáng hơn.

Ông Hòa cho biết thêm, HĐND TP đã thông qua nghị quyết kích cầu, tuy nhiên cần có sự đồng bộ hơn vì để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thì không dự án nào không đụng tới đất. Trong khi đó, chúng ta chưa có nguồn lực nào để khơi thông (thiếu đất, giá đất chưa được xác định, vẫn còn tình trạng tạm tính giá đất…) nên doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư.

“Cứu cánh của chúng ta trong những năm trước là kích cầu nội địa, đặc biệt là thị trường bất động sản. Tất nhiên, chúng ta đi trật hướng là phân khúc cao cấp, còn hiện nay nếu kích cầu lại, chúng ta vẫn có thể làm được nhưng tập trung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp (chảy vào trực tiếp người mua nhà)”, ông Hòa nói.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Toàn Thắng cung cấp thông tin tình hình cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở, đến tháng 9/2023 đã cấp 5.480 giấy chứng nhận lần đầu (5.436 giấy chứng nhận cho cá nhân, 44 giấy chứng nhận cho tổ chức); đăng ký biến động 234.527 giấy chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP (đối với tổ chức là 6.232 giấy chứng nhận; đối với cá nhân là 228.295 giấy chứng nhận), thu khoảng 2.900 tỷ đồng, thu thuế trước bạ khoảng 900 tỷ đồng, chỉ bằng 50% của năm 2022. Đối với trường hợp các dự án nhà ở thương mại có vướng mắc là 81.000 giấy, đã trình và chuyển sang cơ quan thuế khoảng 10.000 giấy, đến cuối năm 2023 giải quyết thêm khoảng 10.000 giấy chứng nhận. Về nguồn thu từ đất đai, cũng theo ông Thắng, năm 2022 có 40 dự án thu trên 21.000 tỷ đồng; năm 2023 có 43 dự án thu trên 25.000 tỷ đồng.

Sẽ làm rõ tổ chức, cá nhân chậm trễ trong giải ngân vốn

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhận định, chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2023, do đầu năm chúng ta khởi động chậm nên có bức tranh khá “xấu xí”, sau đó chúng ta cố gắng “gỡ lại” quý 2 và 3.

Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết sẽ có cuộc họp làm rõ trách nhiệm tổ chức nào chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công.
Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết sẽ có cuộc họp làm rõ trách nhiệm tổ chức nào chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công.

“Tôi thống nhất ý kiến của Chủ tịch HĐND TP; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, cơ bản thống nhất những chỉ số, ý kiến phát biểu của các ngành chức năng. Hiện nay, thế giới và trong khu vực đang diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, các chuyên gia nói còn bấp bênh. TP có độ mở kinh tế thương mại lớn, giao lưu hội nhập sâu rộng nên có những tác động trực diện với chúng ta. Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương, TP kịp thời đề ra những giải pháp và chọn trọng tâm, tạo ra được những nét mới trong quá trình tổ chức thực hiện. TP đã tổ chức được những sự kiện thu hút đầu tư, quan trọng nhất là Diễn đàn kinh tế TP lần thứ 4 năm 2023, được bạn bè quốc tế hưởng ứng tham gia”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nói.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh một số điểm, đó là kết quả tăng trưởng của quý 3 ước đạt 6,7%, trong khi quý 2 là 5,8%, cộng chung đến hiện tại con số ước đạt 4,5%. Các lĩnh vực văn hóa – giáo dục – y tế - du lịch…, có những kết quả thông qua những con số ấn tượng, con số giảm nghèo bền vững cũng tăng là điều đáng mừng. Công tác đối ngoại tăng cường hợp tác hữu nghị cũng chắc hơn, sâu sắc hơn, có nhiều đoàn đi thăm nước ngoài có hiệu quả thiết thực. TP trở thành điểm được bạn bè quốc tế quan tâm, đổ vốn vào đầu tư. Người dân đã thấy TP chính là mảnh đất sống của mình, tham gia bàn bạc các biện pháp nhằm xây dựng phát triển địa phương, điều này nói lên tính dân chủ, trách nhiệm ngày càng phát huy; và còn nói lên cải cách hành chính của chúng ta đã có hiệu quả.

“Biện pháp thì chúng ta có nhiều, nhưng 3 tháng cuối cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng nhất, nhưng đến giờ này chưa cải thiện. Do đó cần tập trung kích cầu tiêu dùng nội địa (Thái Lan chuẩn bị xuất kho trên 10 tỷ USD để người dân sử dụng); tiếp tục kích cầu du lịch với những tour trong nước; tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đất đai; quan tâm đến an sinh xã hội. Cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung, tầm nhìn đến năm 2040, 2050, 2060; đảm bảo quốc phòng an ninh, tăng cường đối ngoại; chuẩn bị kế hoạch năm 2024; tăng cường phòng chống tiêu cực, tham nhũng (sẽ có quy định khuyến khích, khen thưởng người phát hiện và tố cáo tiêu cực, tham nhũng)”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chỉ đạo.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu, những chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên. Đồng thời, ông Hoan cho biết sẽ tổ chức cuộc họp để tìm nguyên nhân vì sao giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.