Giải pháp chống thất thoát lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng

D. Tiêu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xây dựng hệ thống định mức, giá xây dựng theo phương pháp mới sẽ góp phần quan trọng vào việc chống thất thoát lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng.

Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2038/QĐ-TTgngày 18/12/2017. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Đề án đưa vào thực hiện là cuộc cách mạng trong quản lý đầu tư xây dựng, sẽ góp phần nâng cao quản lý các dự án công, hạn chế đội vốn, nâng cao năng suất ngành Xây dựng, tạo được thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng…
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Báo cáo kết quả thực hiện Đề án Hoàn thành hệ thống định mức, giá xây dựng sau gần 1 năm triển khai, ông Phạm Văn Khánh Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng- Bộ Xây dựng cho biết: Đổi mới cơ chế chính sách về quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng là một nội dung quan trọng của Đề án, do vậy trong năm 2018, Bộ Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan soạn thảo và trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định thay thế: Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng. Dự thảo 2 nghị định này đang trình Thủ tưởng Chính phủ sau khi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.

Cũng trong năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát định mức xây dựng đã công bố. Riêng Bộ Xây dựng, ở phần xây dựng, Bộ đã rà soát 14.738/14.738 định mức, loại bỏ 1.005 mức, sửa đổi 3.289 mức, bổ sung 1.120 mức; ở phần định mức hạ tầng kỹ thuật đô thị, đã rà soát 349/349 định mức, sửa 168 mức; ở phần suất vốn đầu tư, giá bộ phận kết cấu, đã rà soát, kiểm tra, đánh giá 596 tổng số suất vốn đầu tư, giá bộ phận kết cấu.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã hoàn thành dự thảo tính toán suất vốn đầu tư xây dựng 1km đường cao tốc theo quy mô, yêu cầu kỹ thuật và điều kiện thực tế hiện nay cho từng loại đường. Dự kiến sau khi lấy ý kiến góp ý của Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị có liên quan, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện kết quả tính toán suất vốn đầu tư 1km đường cao tốc sửa đổi.

Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành khác, theo ông Phạm Văn Khánh đều đã triển khai Đề án, trong đó Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT và Bộ TT&TT đã có kế hoạch triển khai Đề án, tuy nhiên chưa có báo cáo tổng hợp danh mục các định mức cần sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới để thực hiện công tác rà soát theo yêu cầu của BCĐ. Bộ Công Thương, Quốc phòng, Công an, VHTT&DL chưa có báo cáo BCĐ hoặc chưa có sản phẩm thực hiện.

Đối với các địa phương, 34/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch rà soát định mức, trong đó 22/34 tỉnh, thành phố kèm nội dung rà soát danh mục các định mức; 25 địa phương có góp ý đối với các định mức xây dựng do Bộ Xây dựng công bố; 09 địa phương có góp ý đối với các định mức dịch vụ công ích đô thị do Bộ xây dựng công bố. Trong 05 thành phố trực thuộc Trung ương, có TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng đã báo cáo kết quả triển khai Đề án.

Ở nhiệm vụ nghiên cứu ban hành các phương pháp xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng mới phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, Bộ Xây dựng đã điều tra, khảo sát số liệu thực tiễn trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố để phục vụ xây dựng các phương pháp. Hiện nay Bộ đang tổng hợp, xử lý số liệu khảo sát.

Cùng với đó, Cục Kinh tế xây dựng chủ trì, phối hợp với Viện Kinh tế xây dựng và chuyên gia tư vấn Nhật Bản hoàn thiện phương pháp xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng mới. Cục Kinh tế xây dựng cũng đã tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức, giá xây dựng và dịch vụ đô thị, dự kiến trình lãnh đạo Bộ Xây dựng phê duyệt trong quý I/2019.

Ông Phạm Văn Khánh nhận định: Triển khai Đề án, việc thực hiện rà soát hệ thống định mức, giá xây dựng được thực hiện ở quy mô lớn, bài bản, nghiêm túc. Qua rà soát đã mạnh dạn loại bỏ hơn 1000 định mức lạc hậu; sửa đổi hơn 3000 định mức, bảo đảm nguyên tắc tính đúng tính đủ, sát với thực tiễn; bổ sung hơn 2000 định mức mới… góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong đầu tư xây dựng, chống thất thu lãng phí trong đầu tư công.

Chống thất thoát láng phí trong đầu tư xây dựng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao việc các đơn vị liên quan đã soạn thảo xong 2 dự thảo nghị định mới, thay thế Nghị định 32/2015/NĐ-CP và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP. Khi được ban hành, 2 nghị định này sẽ quản lý đầu tư xây dựng tốt hơn, nhất là các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách.

Thứ trưởng Bộ Công Thương đồng thời nhận định: Việc xây dựng hệ thống định mức, giá xây dựng theo phương pháp mới sẽ góp phần quan trọng vào việc chống thất thoát lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng.

Bộ Công Thương sẽ tích cực rà soát hệ thống định mức, giá xây dựng do Bộ này ban hành và sẽ cập nhật báo cáo đến cơ quan thường trực Đề án. Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng trong công tác xây dựng hệ thống định mức, giá xây dựng chung.

Đại diện các Bộ, địa phương có chung quan điểm triển khai Đề án, khối lượng công việc lớn, đòi hỏi nguồn kinh phí không nhỏ. Do đó cần sớm ban hành quy chế tài chính của Đề án, trên cơ sở đó phân bổ kinh phí kịp thời cho các Bộ, địa phương.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh nhận định: Đề án là cuộc cách mạng trong quản lý đầu tư xây dựng. Hiện nay, công nghệ, năng suất xây dựng phát triển tốt nhưng kinh tế xây dựng, quản lý chi phí chưa theo kịp thị trường nên việc triển khai Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng. Triển khai Đề án hiệu quả sẽ góp phần nâng cao quản lý các dự án công, hạn chế đội vốn, nâng cao năng suất ngành Xây dựng, tạo được thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng…

Trong năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách. Sau khi 2 nghị định mới thay thế Nghị định 32/2015/NĐ-CP và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được ban hành, dự kiến trong quý II, đầu quý III/2019, Bộ Xây dựng sẽ ban hành 15 thông tư hướng dẫn.

Bộ Xây dựng và 7 Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, 63 địa phương sẽ tập trung xây dựng hệ thống định mức, giá xây dựng và dịch vụ đô thị mới trên cơ sở các thông tư hướng dẫn; đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức, giá xây dựng và dịch vụ đô thị nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước sau này, góp phần tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát lãng phí.

Liên quan đến kinh phí triển khai Đề án, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&CN hoàn thiện và ban hành quy chế chi tiêu tài chính đặc thù để phục vụ hiệu quả công tác thanh toán, giải ngân của Đề án, làm căn cứ phân bổ nguồn chi phí triển khai Đề án cho các Bộ, ngành, địa phương.

Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh nhận định: Trong các năm 2019 – 2021 phải hoàn thành bộ hệ thống định mức và giá xây dựng theo phương pháp mới. Khối lượng công việc rất lớn do vậy cơ quan chủ trì là Bộ Xây dựng rất cần sự tham gia, phối hợp triển khai hiệu quả của các Bộ quản lý chuyên ngành và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.