Liên Bộ Công Thương - Tài chính giải trình vấn đề xăng dầu

Giải pháp nào bảo đảm ổn định thị trường xăng dầu?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo chủ trì phiên giải trình.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cùng đại diện Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam… cùng một số cơ quan hữu quan tham gia giải trình.

Nâng cao tính ổn định của thị trường

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, xăng dầu là mặt hàng vật tư chiến lược, thiết yếu đối với người dân và là đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Với tầm quan trọng của sự ổn định của thị trường xăng dầu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cũng như an ninh quốc gia thì giá cả cung ứng xăng dầu và quản lý nhà nước luôn được quan tâm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, phiên giải trình lần này là cơ hội để các đại biểu Quốc hội trao đổi, đối thoại với cơ quan quản lý nhà nước làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, phiên giải trình lần này là cơ hội để các đại biểu Quốc hội trao đổi, đối thoại với cơ quan quản lý nhà nước làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp

Thời gian qua, biến động của thị trường xăng dầu có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Phiên giải trình lần này là cơ hội để các đại biểu Quốc hội trao đổi, đối thoại với cơ quan quản lý nhà nước làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp. Từ đó có tham mưu chính sách nâng cao tính ổn định của thị trường.

Tại phiên giải trình, các đại biểu Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của các bộ, ngành trong công tác quản lý kinh doanh xăng dầu thời gian qua, góp phần bảo đảm nguồn cung, ổn định giá cả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không có cam kết về mức sản lượng tối thiểu, dẫn đến sự bị động khi phải tìm nguồn thay thế; đánh giá về cơ cấu nguồn cung xăng dầu, cơ sở phân giao tổng nguồn; xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng theo Luật Dự trữ quốc gia mà vẫn cất trữ chung trong kho thương mại của doanh nghiệp, dẫn đến thiếu minh bạch; phương pháp tính giá có nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tính cạnh tranh, chưa tuân thủ các quy luật của thị trường…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo

Đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 ngày 28/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu và cho biết đã phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo Tờ trình, Dự thảo Nghị định trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, hiệp hội để bảo đảm việc sửa đổi Nghị định lấy đủ ý kiến của các đối tượng chịu tác động, phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo về cơ sở, căn cứ điều hành giá, nguyên tắc và tình hình trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Hai Bộ trưởng cũng giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề cụ thể trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu. Đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất liên quan đến bảo đảm nguồn cung, phương pháp tính giá, thời gian giữa hai kỳ điều hành giá, về dự trữ xăng dầu, phân công trách nhiệm trong quản lý nhà nước…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo

Phiên giải trình cũng ghi nhận nhiều ý kiến có giá trị của các chuyên gia, ý kiến của các tổ chức, hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp phản ánh tình hình thực tế và đề xuất nhiều kiến nghị cụ thể trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh xăng dầu nói chung và sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP nói riêng.

Xác định rõ vướng mắc để khắc phục

Phát biểu chỉ đạo phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên tình hình thị trường xăng dầu vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, phải sớm đánh giá lại tình hình thị trường xăng dầu, xác định rõ vướng mắc, tìm ra nguyên nhân khách quan và chủ quan để đề ra giải pháp cơ bản, toàn diện để khắc phục do xăng dầu là hàng hóa chiến lược, liên quan đến an ninh năng lượng, an ninh quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên tình hình thị trường xăng dầu vẫn diễn biến hết sức phức tạp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên tình hình thị trường xăng dầu vẫn diễn biến hết sức phức tạp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 ngày 28/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu; sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là kịp thời sửa đổi các nghị định, thông tư có liên quan; thực hiện đầy đủ và phân định trách nhiệm rõ ràng của các Bộ, ngành, địa phương, thương nhân đầu mối sản xuất và nhập khẩu, thương nhân phân phối, thương nhân bán lẻ để đáp ứng nguồn cung; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước; cơ chế quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, trong đó đề xuất, kiến nghị cụ thể với các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương để thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật; các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có kế hoạch thực hiện các đề xuất, kiến nghị về nội dung giải trình trong thời gian tới; Ủy ban Kinh tế tiếp tục giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 ngày 28/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.