Giải pháp nào để du lịch Đà Nẵng phục hồi mạnh mẽ?

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Du lịch Đà Nẵng dần phục hồi sau đại dịch Covid-19 khi đảm bảo lượng khách nội địa, tuy nhiên khách quốc tế đến TP vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Tập trung phát triển thị trường khách quốc tế

Ngày 28/12, Sở Du lịch TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết ngành du lịch năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Theo báo cáo, năm 2022, khách do cơ sở lưu trú phục vụ ở Đà Nẵng ước đạt 3,69 triệu lượt, tăng 3,1 lần so với năm 2021, tăng 5% so với kế hoạch UBND TP giao. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 483 ngàn lượt, tăng 4,6 lần so với năm 2021; khách nội địa ước đạt 3,2 triệu lượt, tăng 3,0 lần so với năm 2021.

Đặc biệt, doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 21,3 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 17% trong cơ cấu kinh tế TP), tăng gần gấp 2 lần năm 2021 và phục hồi tương đương bằng 100% so với năm 2019 (21,39 nghìn tỷ đồng).

Năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng chưa đạt kỳ vọng. Ảnh: Quang Hải
Năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng chưa đạt kỳ vọng. Ảnh: Quang Hải

Trong năm 2023, du lịch Đà Nẵng kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ khi TP đã đồng ý chủ trương thí điểm một số dự án nhằm tạo sản phẩm du lịch mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh thu hút khách như: Thí điểm khai thác dịch vụ du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang, tổ chức thí điểm bãi biển đêm Mỹ An... cho phép tiếp tục triển khai chính sách thu hút khách MICE (khách công vụ), tạo động lực sớm khôi phục ngành du lịch.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch nhằm tạo ra các sản phẩm mới như: Giai đoạn 1 phố đi bộ Bạch Đằng – Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo; phố du lịch An Thượng; khu vực bãi tắm kết hợp dịch vụ phụ vụ 24/7 tại bãi biển Mỹ An.

Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm về du lịch như: Khu tổ hợp pháo hoa quốc tế, Khu nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp làng Vân, Khu du lịch sinh thái Nam Ô, Công viên văn hóa và vui chơi giải trí Đông Nam Đài Tưởng niệm...

Thực hiện chủ đề năm 2023 của TP là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”, ngành du lịch Đà Nẵng đặt ra mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển thị trường khách quốc tế, xây dựng các sản phẩm/dịch vụ du lịch hướng đến chuẩn “chất lượng cao”. Đồng thời thực hiện hiệu quả công tác truyền thông - xúc tiến quảng bá, cập nhật xu hướng thị hiếu thị trường, đảm bảo an ninh, an toàn điểm đến. Phấn đấu số lượng khách lưu trú phục vụ tăng 15% - 20% so với năm 2022.

Giải pháp nào để ngành kinh tế mũi nhọn phục hồi mạnh mẽ?

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhìn nhận, năm 2022 dù đảm bảo lượng khách nội địa, tuy nhiên khách quốc tế đến TP vẫn chưa đạt kỳ vọng.  

Thời gian đến, dù xác định phải thay đổi cơ cấu kinh tế của TP, tuy nhiên du lịch dịch vụ vẫn là mũi nhọn quan trọng của Đà Nẵng, vẫn chiếm tỉ trọng đến 68% trong cơ cấu kinh tế. Bà Yến cho biết TP cam kết tiếp tục thực hiện các kế hoạch phát triển du lịch và nguồn nhân lực phục vụ.

Gợi ý giải pháp cho ngành du lịch TP, bà Yến cho rằng cần phải đẩy mạnh việc bán những sản phẩm du lịch hiện có, thực hiện song hành công tác phân tích, nghiên cứu nhu cầu của khách hàng và quảng bá sản phẩm du lịch tốt nhất của địa phương.  

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Hải
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Hải

Đặc biệt, bà Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh cần phải nâng cao ý thức của người dân địa phương trong thái độ, ứng xử với du khách để khách du lịch thấy thoải mái và quay lại. “Chúng ta thấy cách người dân Hội An làm du lịch rất thân thiện, hòa đồng” - bà Yến nêu ví dụ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng Cao Trí Dũng: Sau hàng loạt nỗ lực của địa phương và các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến khôi phục khách du lịch quốc tế, Đà Nẵng đã vượt qua 8 điểm đến quốc tế nổi tiếng để được vinh danh là “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á 2022” tại lễ trao giải thưởng du lịch thế giới khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2022. Đây là tiền đề để Đà Nẵng đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế năm 2023 và các năm đến.

Tuy nhiên, ông Dũng nhận định trong năm 2023, ngành du lịch sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như: Kinh tế toàn cầu đang suy thoái, lạm phát tăng cao, người dân các nước trên thế giới có xu hướng thắt chặt chi tiêu; diễn biến dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, xung đột vũ trang ở nhiều khu vực trên thế giới; chính sách Visa của Việt Nam còn hạn chế hơn các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, hạ tầng và nhân lực hàng không, sân bay vẫn chưa tạo hình ảnh ấn tượng. Hàng loạt cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm mua sắm chưa phục hồi ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ khách. Hàng loạt các công ty lữ hành phục hồi chậm do thiếu vốn, thiếu nhân sự.

Đặc biệt theo ông Dũng, thị trường khách du lịch lớn như Trung Quốc chưa mở cửa, Nga còn hạn chế, các thị trường khách du lịch truyền thống khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… đến Đà Nẵng phục hồi còn chậm. Thị trường Ấn Độ mặc dù có tăng trưởng tốt nhưng cơ sở hạ tầng phục vụ ăn uống cho du khách chưa đáp ứng.

Từ thực trạng trên, ông Cao Trí Dũng đưa ra những giải pháp để du lịch Đà Nẵng phục hồi và phát triển. Cụ thể về giải pháp thị trường, ông Dũng cho rằng cần đánh giá tiềm năng và tập trung khôi phục thị trường trọng điểm đã có các chính sách mở cửa Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Ấn Độ, châu Âu, Trung Quốc… theo lộ trình phù hợp. Đồng thời đề xuất phối hợp mở thêm các đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, tăng tần suất bay từ các khu vực đang có tín hiệu khách tốt; rà soát thị trường khách tàu biển, khách đường bộ để có kế hoạch thu hút khách.

Đối với nhóm giải pháp sản phẩm, theo ông Dũng, cần xây dựng các nhóm sản phẩm nghỉ dưỡng, sinh thái, khám phá văn hóa, ẩm thực, sự kiện lễ hội kèm chính sách kích cầu phù hợp với từng thị trường khách. Ví dụ, khách Hàn Quốc, Nhật Bản tập trung sản phẩm khám phá ẩm thực văn hóa địa phương, du lịch nghỉ dưỡng, đánh Golf… Khách Ấn Độ tập trung các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh, du lịch cưới, du lịch MICE… Ngoài ra, tập trung tiếp cận nhóm khách sự kiện, hội nghị, MICE từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, khách hạng sang, giới siêu giàu, tỷ phú…

Đối với giải pháp xúc tiến, ông Cao Trí Dũng đề xuất nên xây dựng slogan du lịch Đà Nẵng 2023, hình ảnh, nội dung, clip để tập trung truyền thông số về điểm đến trên các kênh hiệu quả (mạng xã hội, các show truyền hình, Youtuber, Tiktoker, người nổi tiếng ở các thị trường khách… Đặc biệt, ngành du lịch Đà Nẵng cần liên kết các địa phương lân cận trong hoạt động xúc tiến chung để nâng cao hiệu quả; các doanh nghiệp lữ hành đồng hành cùng những chiến dịch truyền thông chung về sản phẩm, dịch vụ điểm đến.

 

Năm 2023, Đà Nẵng tiếp tục triển khai Đề án định hướng phát triển du lịch TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án phát triển kinh tế ban đêm, Kế hoạch khôi phục du lịch, phát triển thị trường khách du lịch quốc tế... Đà Nẵng sẽ xúc tiến, đầu tư hàng loạt sản phẩm du lịch mới các sản phẩm du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí và du lịch MICE; sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; sản phẩm du lịch đường thủy nội địa; sản phẩm du lịch ban đêm; sản phẩm du lịch ẩm thực, sản phẩm du lịch văn hoá, lịch sử, sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp...