Giải pháp nào xử lý tình trạng khủng hoảng taxi ở các thành phố lớn?

Hoàng Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng khan hiếm taxi ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây khiến người dân trở nên băn khoăn. Bên cạnh nguyên nhân của Covid-19, giá xăng, còn một nguyên nhân rất lớn từ chính sách và từ chính sự loay hoay của các doanh nghiệp taxi.

Hàng nghìn doanh nghiệp đóng cửa, bán xe 

Hiện nay, nhiều tài xế công nghệ đã tắt app. Tài xế taxi truyền thống cũng rời bỏ thị trường không ít. Một lượng lớn xe đầu tư từ vốn vay đã bị buộc phải bán do thu không đủ chi. Không ít hành khách quay trở lại với taxi truyền thống thay vì sử dụng taxi công nghệ do chênh lệch giá cước. 

Giải pháp nào xử lý tình trạng khủng hoảng taxi ở các thành phố lớn? - Ảnh 1

Ông Nguyễn Công Hùng, chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội (HHTXHN) cho biết: Năm 2019 cho đến tháng 6/2022, giá xăng đã tăng khoảng 61%, giá cước vận tải nói chung chỉ tăng được khoảng 29%. Biên độ điều chỉnh giá xăng dầu được Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh 10 ngày một lần trong khi DN Taxi muốn điều chỉnh giá cước phải đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước và mấy từ 3 -5 ngày để được phê duyệt. 

Bước tiếp theo sau khi được phê duyệt, DN taxi phải đăng ký với Công ty Kiểm định đo lường và chất lượng để kiểm định đồng hồ (taxi meter). Phí kiểm định cho 1 đồng hồ (1 xe) là 100.000 đồng. Tiếp đó phải đặt bộ niêm yết giá cước cho mỗi xe là 50.000 đồng. Ngoài ra phải thuê mặt bằng đủ rộng để cho hàng nghìn xe luân chuyển trong quá trình kiểm định, điều chỉnh… 

Như vậy, đối với các DN có vài nghìn xe thì chi phí cho mỗi lần kiểm định có thể là cả tỷ đồng và mất rất nhiều thời gian. Biên độ điều chỉnh giá xăng lại chỉ là 10 ngày khiến cho DN rất khó xoay. Có thể giá cước điều chỉnh chưa xong thì xăng đã lại lên giá. Nhìn chung, việc điều chỉnh giá vừa rất tốn kém về tiền, vừa tốn thời gian và cũng tác động rất lớn đến tâm lý khách hàng nên nó là việc cực chẳng đã mà không có DN nào muốn làm.

Cũng theo ông Hùng, tháng 1/2022 giá xăng ở ngưỡng 23.000 đồng, đến cuối tháng 6 giá xăng tăng lên gần ngưỡng 34.000 đồng/lít. Lúc đó, các DN không chịu đựng được nữa mới buộc phải điều chỉnh giá cước và điều chỉnh giá ở biên độ từ 8 - 10% (8% đối với xe nhỏ và 10% đối với xe lớn). Hiện nay giá xăng dầu đã giảm bớt nhưng xăng dầu chỉ chiếm 30 - 40% cấu thành giá còn các chi phí khác mà DN vận tải phải gánh như vật tư, nhân công, tiền thuê bến bãi để vận hành... thì vẫn tăng lên. Chính vì vậy đây là thời điểm vô cùng khó khăn. Đã có hàng nghìn DN phải đóng cửa, phải bán xe để cắt lỗ. Ví dụ, tại Hà Nội, HHTXHN có 17.260 xe, đến nay chỉ còn xấp xỉ 10.000 xe. Có những DN phải bán hàng ngàn xe để cắt lỗ.

Theo Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng cho biết, đối với xe công nghệ, riêng với Grab, có thời điểm đã có tới 100.000 xe. Hà nội lúc đỉnh cao đã có tới 60.000 taxi công nghệ.  Sự xuất hiện của taxi công nghệ đã tạo ra những chuẩn mực phục vụ mới và được xã hội đón nhận. Tuy nhiên, những khủng hoảng gần đây của Grab, gương mặt gây mưa gió và là khắc tinh của taxi truyền thống suốt một thời gian dài đã cho thấy cần có những cải tổ và cơ hội cho các DN công nghệ ở VN là vẫn rộng mở. 

Cũng theo HHTXHN, Trong khi Taxi truyền thống phải kê khai giá cước, tăng hay giảm đều phải giải trình với cơ quan quản lý Nhà nước thì với Grab, giá xăng tăng bao nhiêu, giá cước lên cao bấy nhiêu. Phí nắng nóng Grab thu cũng được HHTXHN cho là sai quy định. Vì về mặt nguyên tắc, đã điều chỉnh giá cước rồi, trong ngưỡng điều chỉnh giá cước từ 5000 - 10000 đồng/km, thì ở tất cả mọi chi phí nhân công, lao động, điều hành, duy trì hoạt động khấu hao tài sản đều nằm ở phần đã tăng giá, không được phép thu thêm bất kỳ loại phí nào nữa. 

“Đại dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua đã có khoảng 40.000 xe tại Hà Nội thuộc các cá nhân, tổ chức đi vay ngân hàng để đầu tư xe đã phải cắt lỗ. Hiện tại số lượng xe đối tác của Grab và Bee còn khoảng 16.000 xe. Trong khi taxi truyền thống còn khoảng 10.000 xe. Hệ luỵ này đến từ quy định 24, thí điểm công tác hậu kiểm mà không cho họ vào khuôn khổ pháp lý. Chính vì vậy, họ tùy tiện tăng giá (phí nắng nóng 5.000 đồng và 2.000 phí duy trì nền tảng). Cơ quan quản lý Nhà nước cần phải làm cho minh bạch việc này”, ông Nguyễn Công Hùng nêu ý kiến.

  Giải pháp

Trên thực tế, một số doanh nghiệp taxi cũng đã xây dựng riêng một hệ thống công nghệ nhưng cơ bản chỉ nhận được sự tốn kém và không được hành khách đón nhận. Mỗi công ty taxi hiện cơ bản chỉ hoạt động ở một phạm vi địa lý nhất định. Khi hành khách di chuyển, lúc ở tỉnh này, lúc ở tỉnh khác, nếu muốn gọi được xe, bắt buộc họ phải dùng đồng thời nhiều hệ thống, cài nhiều App cùng lúc. Đây là điều vô cùng phiền toái khiến hành khách không mặn mà.

Giải pháp nào xử lý tình trạng khủng hoảng taxi ở các thành phố lớn? - Ảnh 2

Emdi là phần mềm được xây dựng cho khoảng 15 đơn vị taxi tham gia, qua đó khách hàng đi taxi thì đặt xe qua app Emdi. Tuy nhiên, khi 15 đơn vị này chạy chung 1 app Emdi thì giá của app lại có thể nảy sinh mâu thuẫn, sẽ thấp hoặc cao hơn với giá cước của chính các DN taxi đang cài đặt trên đồng hồ tính tiền. Về cơ bản nó chỉ phục vụ cho nhu cầu đặt xe giống như app của Mai Linh, G7, Vạn Xuân... DN nào cũng có app, đại diện HHTXHN cho biết.

Vậy giải pháp nào khắc phục các vấn đề nêu trên, theo Ông Đỗ Khắc Hà, Giám đốc Công ty Viladata, mới đây Công ty đã nâng cấp hệ thống Tadi để đảm bảo hệ thống này có thể giải quyết tất cả các vướng mắc hiện thời. Tadi không can thiệp vào giá, sẵn sàng cho tất cả các hãng taxi và xe với số lượng không hạn chế. Hệ thống này hoạt động trên nguyên tắc đấu thầu. Hành khách sẽ đăng hành trình di chuyển của mình theo dạng “gói thầu” và các tài xế taxi có khả năng cung cấp dịch vụ đóng vai “nhà thầu”. Số lượng lái xe báo giá cho mỗi hành trình là không hạn chế. Với hình thức này, khách đi xe có thể chọn xe, chọn lái, chọn giá, kiểm tra độ tín nhiệm của từng lái xe… Hệ thống cũng cho phép lái xe tự đặt mức giá cơ bản hoặc giá cho từng hành trình. Chi phí cho từng hành trình được quyết định hoàn toàn bởi lái xe và khách. 

Dưới hình thức là một sàn giao dịch, Tadi chỉ cung cấp giải pháp công nghệ, lái xe có thể đăng ký sử dụng dù họ ở bất kỳ DN nào, họ cũng có thể là cá nhân kinh doanh. Hành khách chỉ cần dùng một App duy nhất, tiếp cận với tất cả các lái xe từ tất cả các hãng taxi, chọn xe, chọn giá, chọn tài xế ưng nhất và khởi hành. 

Cuộc khủng hoảng ngành taxi hiện nay, việc các DN taxi tự xây dựng hệ thống công nghệ chưa thành công hoặc những mô hình taxi công nghệ nhưng vẫn “nửa” kinh doanh vận tải nửa cung cấp giải pháp vốn còn rất nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nó lại mở ra cơ hội cho những ai quyết định đứng hẳn về phía giải pháp công nghệ một cách minh bạch.