Giải quyết kiến nghị của cử tri: Còn tình trạng né vấn đề phức tạp

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp, hàng loạt ý kiến, nguyện vọng của cử tri được gửi qua các đại biểu để truyền tải đến các cơ quan chức năng. Qua thống kê, gần 100% các kiến nghị được trả lời, giải quyết, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế cần khắc phục để nâng cao hơn nữa vấn đề này.

Cử tri Lê Văn Hưu, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 2/3. Ảnh: Trần Long
Góp phần hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo
Theo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV vừa được Ban Dân nguyện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, thông qua 1.050 cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 1.904 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 1.810 kiến nghị được giải quyết, trả lời.

Trong đó, đối với Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, tiếp nhận 1.804 kiến nghị của cử tri, đã giải quyết, trả lời 1.713 kiến nghị, đạt 95%. “Việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, bộ, ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm cùng với việc tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo an ninh - trật tự. Nhiều nguyện vọng chính đáng của cử tri được nghiên cứu, tiếp thu giải quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân”- Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết.

Không chỉ ở cấp T.Ư, tại địa phương, các sở, ban, ngành, UBND các cấp với trách nhiệm của mình, ngay sau khi nhận được kiến nghị đã kịp thời nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời cơ bản đầy đủ, rõ ràng về những vấn đề được đặt ra. Qua đó giúp tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân cơ bản được đáp ứng, tạo niềm tin đối với chính quyền địa phương, góp phần hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Còn trả lời chung chung

Tuy nhiên, từ kết quả giám sát của Ban Dân nguyện cũng cho thấy, còn tình trạng giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri không đúng thời hạn; một số ít văn bản trả lời chung chung, chưa chính xác, không nêu rõ kết quả khi cử tri yêu cầu tổ chức kiểm tra, rà soát tiêu chuẩn, chất lượng. Đồng thời, vẫn còn một số quy định của pháp luật chưa thống nhất, có quy định còn chưa phù hợp với thực tế. Đặc biệt, một số kiến nghị cử tri qua nhiều kỳ họp mặc dù đã được các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng từng băn khoăn khi hiệu quả thực chất việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cấp còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, việc đánh giá, phân loại nội dung kết quả giải quyết để đưa vào các tiêu chí “đã được giải quyết” và “đang tiếp tục giải quyết” chưa bảo đảm chính xác. Thực tế cho thấy, một số nội dung trả lời còn chung chung, trích dẫn lại các quy định của pháp luật, chưa đi thẳng vào vấn đề, chưa thuyết phục, chưa bám sát băn khoăn, lo lắng của người dân. Thậm chí có địa phương, cử tri nhận được những lời hứa hẹn nhưng kết quả nhận được không thực chất.

Những kiến nghị bị tồn đọng nhưng chưa được khắc phục thường là vấn đề có nội dung liên ngành, nhiều lĩnh vực và cần sự phối hợp thật chặt chẽ, đồng bộ để giải quyết. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh những vấn đề phức tạp đang diễn ra trong thực tế cuộc sống của người dân. Do đó, việc tăng trách nhiệm trong phối hợp giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri tiếp tục được đặt ra. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc giải quyết những vấn đề cử tri nêu ra cần được tăng cường hơn nữa để giải quyết dứt điểm các kiến nghị, hạn chế chuyển sang nhiệm kỳ sau...
Theo tổng hợp của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, có 2.278 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV. Trong đó, cử tri và Nhân dân còn lo lắng trước tình trạng phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, lối sống thiếu lành mạnh, nhằm lôi kéo nhiều người xem để thu lợi; cơ sở vật chất, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu, xuống cấp; chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…