Giải quyết thấu đáo khiếu nại, tố cáo từ cơ sở

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội vừa có kết luận chính thức đợt giám sát việc thực hiện kết luận sau thanh tra công vụ, thông báo kết luận giải quyết tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn.

Cùng với những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng chỉ ra không ít tồn tại cần khắc phục.

Cán bộ Phòng Tư pháp huyện Mê Linh trao đổi phương pháp tuyên truyền pháp luật cho Nhân dân. Ảnh: Hữu Trường

Qua giám sát thực tế tại các quận, huyện, Ban Pháp chế nhận định, các đơn vị đã có nhiều cố gắng trong thực hiện các văn bản kết luận thông báo giải quyết tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật. Quá trình tổ chức thực hiện đúng trình tự, thủ tục đảm bảo khách quan, có hiệu quả và bảo vệ được quyền lợi chính đáng của công dân. Như trong tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, thống kê cho thấy, TP đã tổ chức thực hiện dứt điểm 292/426 quyết định giải quyết khiếu nại, còn 134 quyết định đang tổ chức thực hiện. Với các thông báo kết luận giải quyết tố cáo, qua giám sát cũng cho thấy, đã tổ chức thực hiện xong 236/485 thông báo, còn lại 249 kết luận đang tổ chức thực hiện. Đối với các kết luận có tính chất phức tạp, khó tổ chức thực hiện, các địa phương cũng đã xây dựng phương án, kế hoạch, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Tuy nhiên, vẫn còn một số quyết định giải quyết khiếu nại chưa tổ chức thực hiện dứt điểm, tồn đọng kéo dài từ những năm 2009 - 2013, liên quan đến cơ chế, chính sách bồi thường GPMB, công tác quản lý sử dụng đất…, tập trung phần lớn trên các địa bàn Hoàng Mai, Ứng Hòa, Ba Vì. Đáng lưu ý, có những thông báo kết luận giải quyết tố cáo còn tồn đọng từ năm 1998 trở lại đây, thuộc thẩm quyền của cấp huyện. Tập trung nhiều ở một số địa bàn như Thanh Oai, Phú Xuyên, Mỹ Đức… Nguyên nhân là vướng mắc trong thực hiện chính sách, liên quan đến xử lý vi phạm trong công tác quản lý đất đai qua nhiều thời kỳ, thay đổi chính sách… Cùng với đó, nhiều vụ việc thuộc thẩm quyền quận, huyện đã thực hiện xong, nhưng chậm ban hành văn bản thông báo trả lời công dân, kết thúc vụ việc, cũng là nguyên nhân khiến khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Theo nhận định của Ban Pháp chế, ngoài các nguyên nhân chủ quan như chưa có chế tài mạnh để xử lý trách nhiệm với các trường hợp cố ý không thực hiện kết luận sau khiếu nại, tố cáo, còn có cả nguyên nhân do sự phối hợp ở một số đơn vị chưa chặt chẽ; vẫn còn tình trạng né tránh, ngại va chạm…

Để giảm đơn thư vượt cấp, giải quyết triệt để các thông báo kết luận giải quyết tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại, tránh khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, Ban Pháp chế đề nghị TP cần có quy định cụ thể tiến độ, thời gian tổ chức thực hiện; quy định rõ trách nhiệm và cơ chế xử lý với tổ chức, cá nhân không hoặc chậm thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác tiếp dân, tổ chức đối thoại với người dân để nâng chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Qua thực tế giám sát cho thấy, mọi vụ việc đều có giải pháp tháo gỡ, vấn đề là cần sự quan tâm, chỉ đạo vào cuộc sát sao của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Để hạn chế tối đa tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, Ban Pháp chế cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã cần phối hợp với Thanh tra TP rà soát, phân loại các thông báo, quyết định còn tồn đọng, có lộ trình và giải pháp vụ thể, xác định rõ trách nhiệm, đề ra thời điểm kết thúc vụ việc. Các địa bàn có nhiều vụ việc phức tạp, cùng nội dung, số lượng lớn cần xây dựng Đề án, đề xuất tổng thể, tổ chức họp liên ngành, báo cáo TP để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Những vụ việc quận, huyện giao xã, phường, mà không thực hiện theo đúng thời hạn, cần thiết giao thanh tra công vụ đột xuất, xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể. Có như vậy, tình trạng khiếu kiện vượt cấp mới giảm, ổn định tình hình ngay tại cơ sở.