Giải quyết tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu Quốc hội đề nghị phải đánh giá kỹ lưỡng, rà soát khách quan đối với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo.

Chiều 31/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác; trong đó có kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đánh giá tồn tại, hạn chế trong công tác rà soát hệ thống văn bản

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn tỉnh Bắc Giang) đánh giá cao kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, từ đó tập trung chỉ đạo, quyết liệt tổ chức thực hiện và đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn tỉnh Bắc Giang) đánh giá cao kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật 
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn tỉnh Bắc Giang) đánh giá cao kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật 

Đại biểu cho biết, kết quả rà soát đã được Chính phủ tổng hợp trong Báo cáo số 587 và 26 Phụ lục kèm theo, đã đánh giá được quá trình tổ chức thực hiện, kết quả rà soát chung và kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực. Đồng thời đã chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra các kiến nghị, đề xuất rất xác đáng.

Về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo 587 và nội dung thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Đồng thời tán thành với những tồn tại, hạn chế của của Chính phủ và đánh giá của Ủy ban Pháp luật.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị, Chính phủ đánh giá sâu sắc hơn nữa những tồn tại, hạn chế trong công tác này, trong đó rất cần đặt trong mối quan hệ biện chứng giữa công tác rà soát văn bản với công tác xây dựng, hoàn thiện, kiểm tra, giám sát văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Đồng thời, cần xác định rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực hơn, hiệu quả hơn.

Hạn chế đề xuất một luật sửa nhiều luật

Phát biểu về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn tỉnh Hải Dương) đánh giá cao kết quả rà soát hệ thống pháp luật mà Chính phủ, tổ công tác của Quốc hội đã thực hiện. Đại biểu cho rằng, việc đánh giá phải thực hiện thận trọng, kỹ lưỡng, rà soát phải đảm bảo khách quan, kiến nghị sửa đổi phải thích đáng, hạn chế đề xuất một luật sửa nhiều luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn tỉnh Hải Dương) đánh giá cao kết quả rà soát hệ thống pháp luật mà Chính phủ, tổ công tác của Quốc hội đã thực hiện
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn tỉnh Hải Dương) đánh giá cao kết quả rà soát hệ thống pháp luật mà Chính phủ, tổ công tác của Quốc hội đã thực hiện

Trên cơ sở theo dõi, giám sát các lĩnh vực phụ trách, các cơ quan của Quốc hội đã có ý kiến đánh giá về kết quả rà soát, bổ sung một số nội dung để Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi. Đại biểu bày tỏ nhất trí với việc Quốc hội tiếp tục quy định nội dung này vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, trong đó cần nhấn mạnh: Hoạt động rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để lấy dữ liệu đầu vào cho công tác tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có thể sử dụng hiệu quả kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật để hỗ trợ cho hoạt động rà soát thường xuyên.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cũng cho rằng, việc pháp điển hóa hệ thống quy phạm pháp luật còn nhằm mục đích phát hiện những chồng chéo, mâu thuẫn của các quy phạm pháp luật ở các văn bản khác nhau cùng quy định về một nội dung. Đây là một nguồn tư liệu quan trọng, làm việc rà soát thường xuyên của các cơ quan, địa phương trở nên dễ dàng hơn rất nhiều trong điều kiện nguồn nhân lực còn hạn chế.

“Chúng ta cần tiếp tục củng cố lực lượng pháp chế, để thực hiện công tác xây dựng pháp luật nói chung và công tác rà soát thường xuyên theo quy định. Cần ban hành văn bản hướng dẫn để có giải pháp cụ thể, rõ ràng triển khai công tác này. Cùng với đó, cần có điều chỉnh về số lượng biên chế, tiêu chuẩn tuyển chọn, việc áp dụng chính sách thu hút nhân tài như sinh viên giỏi, thủ khoa về lĩnh vực này, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng hơn” - đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa nhấn mạnh.