Giải quyết tranh chấp thế nào khi thế chấp đất nhưng không thế chấp nhà?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Câu hỏi

Xin hỏi luật sư, nếu chỉ thế chấp đất mà không thế chấp nhà, khi tranh chấp sẽ giải quyết như thế nào?

Trả lời

Trước đây, việc thế chấp nhà, đất đảm bảo nghĩa vụ vay tiền phải được thỏa thuận rõ ràng, xác lập bằng văn bản có công chứng và tuân thủ quy trình thủ tục về đăng ký thế chấp. Nếu các bên chỉ thế chấp đất mà không có thỏa thuận nhà do chưa đăng ký sở hữu nhà trên sổ đỏ thì khi giải quyết tranh chấp, Tòa án sẽ căn cứ hồ sơ thế chấp để chấp nhận xử lý thế chấp đối với phần đất, không cho xử lý phần nhà.

Với trường hợp này, khi thi hành án, các bên sẽ phải thỏa thuận thi hành án. Cụ thể, các bên thỏa thuận mua lại phần tài sản của bên kia khi thi hành án. Đây cũng là trường hợp mà chủ tài sản thường sử dụng để tạo ra tranh chấp, khiến cho vụ án kéo dài, phức tạp và tạo ra lợi thế đàm phán khi xử lý tài sản.

Riêng với trường hợp sổ đỏ thuộc sở hữu bên vay, dù không có thỏa thuận thế chấp phần nhà, khi thi hành án, để đảm bảo đủ nghĩa vụ thanh toán thì vẫn bị kê biên, phát mại cả phần nhà ở.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các giao dịch thế chấp đều có thỏa thuận thêm cả phần tài sản trên đất, tài sản hình thành trong tương lai đưa vào nội dung hợp đồng thế chấp. Vì thế, phát sinh tranh chấp vẫn bị xử lý cả nhà, đất dù cho phần nhà chưa được đăng ký cấp sổ đỏ.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn